Bổ sung khoản 12, điều 3, Luật Đất đai - góp phần chống nhóm tham nhũng

Theo Luật Đất đai (khoản 2, điều 2 và khoản 7, điều 3) quy định: Người dân chỉ sử dụng đất (chứ không sở hữu).

Nhà Nước giao quyền sử dụng đất (cho người dân). Như vậy, cho dù đất do cha ông để lại; hoặc trước Cải cách Ruộng Đất ở miền Bắc, đại đa số các gia đình Nông dân “ruộng không có một sào, ao không có một thước”. Họ phải đi làm thuê, làm mướn cho Địa chủ. Đến khi Cải cách Ruộng Đất, người Nông dân được chia ruộng, hay còn gọi là “người cày có ruộng”.

sd-1647141240.jpg
Minh họa

Song, về “Sổ đỏ” của các gia đình (hoặc cá nhân) chỉ có quyền sử dụng đất; chứ không có quyền sở hữu đất. Chính vì vậy, theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nếu cơ quan chức năng có tiến hành ra quyết định trưng dụng, thu hồi đất, cũng là chuyện hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, khoản 12, điều 3, Luật Đất đai định nghĩa, quy định không rõ ràng về bồi thường đất khi thu hồi: “Bồi thường đất là việc Nhà Nước phải trả lại giá trị quyền sử dụng đất, đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng”. Vậy, giá trị quyền sử dụng đất nào? Đất trước khi thu hồi hay đất sau khi thu hồi?

Do đó đối với đất nông nghiệp, thổ canh; cơ quan chức năng quyết định thu hồi chuyển đổi thành đất thổ cư, hay đất phi nông nghiệp… để xây dựng các khu Đô thị mới… chỉ được chủ đầu tư “thỏa thuận” bồi thường giá trị quyền sử dụng đất ruộng, đất nguồn gốc Nông nghiệp với giá tiền đền bù mạt hạng.

Tôi cho rằng, đây là điểm bất cập nhất của Luật Đất đai hiện nay. Đây cũng là một sơ hở lớn nhất, nếu chưa muốn nói là bất công lớn nhất, sẽ dẫn tới người dân phải khiếu kiện về đất nông nghiệp, khi bị thu hồi. Và sẽ tiếp tay cho các nhóm tham nhũng “bự” trong việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ruộng, đất nông nghiệp sang đất thổ cư Đô thị… bây giờ.

Đơn cử thực tế quê tôi (thuộc phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội) có cánh đồng Nha, trồng lúa nếp ngon nổi tiếng. Khi cơ quan chức năng quyết định thu hồi (cánh đồng Nha), để xây dựng trung tâm Thương mại AEON; chủ đầu tư vận dụng hết, tất cả các Nghị định, Chính sách hỗ trợ người dân (có đất bị thu hồi), cũng chỉ được bình quân 2.000.000đ/m2. Trong khi đó, giá trị đất trung tâm Thương mại AEON này, năm nay - 2022 không dưới 70.000.000đ/m2.

Thế nên dù trong thời dịch Covi-19 hiện nay, nhưng chương trình Nghị sự Quốc hội năm 2022 đã đề cập sửa đổi Luật Đất đai; tôi kiến nghị Quốc hội xem xét, cấp bách bổ sung nội dung khoản 12, điều 3 (Luật đất đai hiện hành). Cụ thể bồi thường đất là việc Nhà nước phải trả lại giá trị quyền sử dụng đất thật rõ ràng:

Trường hợp giá đất trước khi có quyết định thu hồi, thấp hơn giá đất sau khi có quyết định thu hồi (để chuyển đổi mục đích sử dụng), sẽ được bồi thường theo giá trung bình cộng (giữa giá đất trước khi thu hồi với giá đất sau khi thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng).

Thí dụ trước khi thu hồi là đất ruộng lúa, có giá trị 300.000đ/m2. Sau khi thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất xây dựng khu Đô thị mới, có giá trị 30.000.000đ/m2. Khi bồi thường phải tính theo giá trung bình cộng (300.000+ 30.000.000): 2 = 15.150.000đ/m2. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân có cơ hội làm ăn sinh sống, khi họ bị thu hồi đất trồng lúa.

Và chỉ khi nào Quốc hội bổ sung thật rõ ràng khoản 12, điều 3, Luật Đất đai nêu trên; thì khi ấy mới “hết cửa” móc ngoặc của các nhóm tham nhũng “bự” trong việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, thổ canh sang đất thổ cư Đô thị… hiện nay./.

Nguyễn Thành Lập