Bộ Công thương đề xuất rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện xuống 3 tháng

Nhằm tránh thua lỗ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương đề xuất rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện bán lẻ bình quân từ 6 tháng/lần hiện nay xuống còn 3 tháng.
6e3a0255-16-11-20-375-1697449002.jpg
Bộ Công thương đề xuất rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện xuống 3 tháng. Ảnh minh họa

Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng dự thảo thay thế Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được trình trước đó, rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện xuống 3 tháng để EVN tránh thua lỗ.

Theo báo cáo, việc rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện bán lẻ bình quân từ 6 tháng/lần hiện nay xuống còn 3 tháng sẽ giúp giá điện không bị dồn tích chi phí, ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN. Do đó, mỗi quý sẽ có một đợt thay đổi giá nếu chi phí đầu vào của giá điện liên tục tăng và một năm giá sẽ được cập nhật tối đa 4 lần theo chi phí phát điện.

Hiện cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được thực hiện theo Quyết định 24/2017 và áp dụng theo quy tắc: Thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng. Việc tăng giá điện sẽ được thực hiện nếu cơ quan quản lý rà soát, kiểm tra và xác định các chi phí đầu vào khiến giá thành điện tăng từ 3% trở lên.

Bộ Công thương cho biết, dù đã có quy định về việc tăng giá điện nhưng việc thực thi không diễn ra định kỳ. Từ năm 2017 đến nay, giá điện mới được điều chỉnh 3 lần với mức tăng 6,08% vào năm 2017, 8,36% vào năm, 2019 và được giữ nguyên trong suốt 4 năm (tháng 5/2023 vừa qua mới tăng thêm 3%).

Thực tế cho thấy, việc điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua luôn thấp hơn so với phương án đề xuất của EVN và kết quả rà soát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Từ đó dẫn tới chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi các chi phí phát sinh chưa được tính hoặc chưa được tính đủ vào giá điện.

Do đó, báo cáo đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá tối thiểu là phù hợp, qua đó dần đưa giá điện thích ứng với biến động các thông số đầu vào theo thị trường. Bởi sẽ đảm bảo chi phí không bị dồn tích nhiều, gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN.

Bên cạnh đó, liên quan đến một số ý kiến chuyên gia, nhất là đề xuất cần đảm bảo tính công khai minh bạch, tránh lạm quyền và cần thành lập Hội đồng năng lượng độc lập ngoài EVN, Bộ Công thương cho rằng, việc thực hiện điều chỉnh giá điện các năm qua đã ngày càng minh bạch hơn khi có sự tham gia của các bộ, cơ quan có liên quan như: Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước… Từ các phân tích, việc thành lập Hội đồng năng lượng độc lập là không cần thiết.

Đông Nghi