Những tiếng máy cưa, chà gỗ vang lên rộn ràng trong xưởng sản xuất của Công ty TNHH Hoàng Hưng, tại Khu công nghiệp Phú Tài, phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Công ty này hiện có 3 nhà xưởng với hơn 700 công nhân chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Chị Đỗ Thị Thu Thúy, công nhân phun sơn gỗ có hơn 10 năm làm việc tại đây cho biết, mỗi tháng thu nhập hơn 7 triệu đồng cảm thấy an tâm khi bước vào ngày sản xuất đầu năm mới.
“Công việc của chúng tôi là phun màu, lên khuôn. Bước sang năm mới có một đơn hàng ổn định. Chúng tôi mong muốn ngày nào cũng được đến công ty để làm việc”, chị Thúy nói.
Năm 2022, đơn hàng của Công ty TNHH Hoàng Hưng sụt giảm mạnh do biến động thị trường. Hiện công ty tiếp tục sản xuất cho các đơn hàng còn lại của năm ngoái. Sau Tết, toàn bộ công nhân trở lại làm việc nhưng đơn hàng không nhiều nên hoạt động của doanh nghiệp ở mức cầm chừng.
Ông Lê Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng khẳng định, Công ty tập trung cải tiến mẫu mã, tạo ra các sản phẩm mới và chủ động tìm kiếm khách hàng.
“Trước mắt, các đơn hàng cũ vẫn đang chạy kịp suất. Cũng dự báo, năm 2023 thì gỗ cho sản xuất sẽ khó khăn. Nhất là gỗ đầu vào đang rất cao. Doanh nghiệp phải cân đối lại làm sao vừa có gỗ dự trữ để kịp sản xuất cho năm 2023. Đồng thời đảm bảo lợi nhuận tối thiểu để không ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của năm 2023”, ông Thiện chia sẻ.
Đến nay, hơn 97% số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Định đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Đơn hàng sau Tết giảm hẳn, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất, ngoại thất gặp khó khăn.
Ông Cao Thanh Thương, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã có chính sách tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ngay từ những ngày đầu năm nay.
“Cùng với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, Ban Quản lý Khu Kinh tế thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ đó, kịp thời kiến nghị đề xuất với lãnh đạo tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, ổn định mở rộng các quy mô sản xuất”, ông Cao Thanh Thương cho biết thêm.
Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp
Ngay trong ngày trở lại làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2023, chiều 27/1 (mùng 6 tháng Giêng), các đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã đến thăm, kiểm tra hoạt động sản xuất đầu năm tại nhiều DN. Không chỉ chúc mừng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh còn lắng nghe, động viên và chia sẻ những khó khăn của các DN, khẳng định tỉnh luôn đồng hành với các DN đầu tư tại Bình Định.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn bày tỏ mong muốn các DN mạnh dạn đầu tư, mở rộng không gian mới, tìm kiếm thêm thị trường để phát triển thành thương hiệu quốc gia và vươn ra thế giới. Tỉnh khẳng định luôn lắng nghe, đồng hành và “cần” DN để ra các quyết sách đúng đắn cho phát triển của DN.
Và quan điểm của tỉnh là DN có phát triển mạnh thì tỉnh mới phát triển được. “Tỉnh vẫn đi kêu gọi các “đại bàng” từ nước ngoài và trong nước về đầu tư tại Bình Định, nhưng tôi cũng đồng thời mong muốn chính các DN trong tỉnh cũng sẽ nhìn thấy, nắm bắt cơ hội, mạnh dạn đầu tư phát triển trở thành những “đại bàng” ngay tại tỉnh”, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tranh thủ thời cơ, cơ hội từ các đơn hàng mới, một số DN đã sản xuất, kinh doanh ngay trong kỳ nghỉ Tết; còn lại phần lớn DN đến mùng 8 tháng Giêng đã đi vào sản xuất trở lại.
Ngay từ đầu năm, ngành Công Thương bắt tay ngay vào triển khai thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của các DN. Tìm hiểu sâu sát những khó khăn, vướng mắc của DN để tổng hợp trình UBND tỉnh kịp thời giải quyết; triển khai đến tận các hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường mới.