Bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ khi chuyển mùa

Sau mấy tháng hè khoa nhi được thư thả chút, vào năm học mới rồi thời tiết chuyển mùa, khoa lại đông đúc, các cơ sở y tế lại bắt đầu quá tải.
t-1699071720.jpg
Bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ khi chuyển mùa.

Với người làm trong ngành y lâu năm thì không lạ gì tính chất mùa vụ của bệnh tật, nhưng với các bà mẹ, nhất là những người lần đầu làm bố làm mẹ, thì vẫn còn ngạc nhiên sao con mình lại bị bệnh. Bệnh của trẻ nhỏ chủ yếu là bệnh hô hấp, nhất là các  bé từ sơ sinh đến 3 tuổi. Biểu hiện chính là ho, sốt, chảy mũi, nôn trớ, khò khè. Nặng hơn thì suy hô hấp: thở nhanh, rút lõm lồng ngực, tím tái, có thể tử vong.

Có hai nguyên nhân khiến cho trẻ dễ bị các bệnh đường hô hấp

- Một là do hệ hô hấp của trẻ còn non, dễ bị tổn thương. Đường kính các phế quản rất nhỏ, dễ bị phù nề làm tắc nghẽn. Trẻ lại chưa biết ho khạc để tống đàm ra, nên dễ bị ứ đọng đờm dãi, càng làm khó khăn trong việc thở. Phổi trẻ còn nhỏ, dự trữ hô hấp ít, nên dễ suy hô hấp khi có tổn thương.

- Hai là hệ miễn dịch của trẻ đang trưởng thành, nên chưa có sức đề kháng với các tác nhân nhiễm trùng bên ngoài, nên dễ bị các bệnh nhiễm trùng lây qua đường hô hấp. Khi chuyển mùa thay đổi thời tiết đường hô hấp giảm sức đề kháng nên trẻ dễ bị nhiễm bệnh. Để các mẹ thêm kiến thức, đỡ lo lắng khi con bị bệnh, tôi sẽ lần lượt giải thích các triệu chứng:

- Ho: Là biểu hiện sớm nhất khi mắc bệnh hô hấp. Viêm mũi họng trẻ cũng có ho nhưng ho ít, chủ yếu là đau họng và chảy mũi. Ho nhiều nhất khi trẻ có viêm phế quản. Các tác nhân kích thích các thụ thể trên phế quản gây ra phản xạ ho, thông qua trung tâm ho trên thân não. Vì thế để giảm ho bằng 2 loại thuốc, thuốc làm giảm kích thích trên đường hô hấp, hoặc thuốc ức chế trung tâm ho trên não. Tuy nhiên ho lại chính là phản xạ tốt, giúp tống các ứ đọng trên đường hô hấp ra ngoài. Nên chỉ giảm ho khi trẻ ho nhiều gây mất sức, còn lại hầu như ho sẽ tự giảm dần khi viêm nhiễm của đường hô hấp giảm.

- Sốt: là phản ứng của cơ thể khi bị nhiễm trùng. Sốt có thể rất cao khi bị viêm amidan mủ, viêm phổi thùy, cũng có thể sốt vừa phải khi viêm mũi họng, viêm phế quản. Còn sốt rất cao nhưng không ho hay chảy mũi gì thì thường là sốt do bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt tay chân miệng. Nếu sốt rất cao kèm nôn dễ dàng, quấy khóc nhiều, thậm chí co giật cần nghĩ đến viêm màng não. Hạ sốt bằng lau nước ấm và dùng thuốc hạ sốt, cùng với đó là tìm nguyên nhân để điều trị nguyên nhân gây sốt.

- Nôn trớ: trẻ viêm kích thích vùng hầu họng nên dễ bị nôn khi ho hoặc khi ăn uống. nên trong những ngày đầu khi mới bệnh nên ăn lỏng, số lượng ít. Thậm chí ngày đầu tiên có thể phải cho trẻ nhịn ăn để truyền dịch, ngày sau trẻ bớt nôn thì cho ăn tăng dần lên.

- Chảy nước mũi: là do dịch xuất tiết của niêm mạc mũi họng, thường các nhiễm trùng đường hô hấp hay có. Các dịch tiết này giúp bảo vệ niêm mạc mũi họng, làm ẩm, làm sạch không khí trước khi đi vào phổi. Nên trẻ có sụt sịt chút mũi cũng không có gì lo lắng quá, chỉ cần nhỏ ít nước muối sinh lý là loãng dịch mũi rồi hút ra cho trẻ. Với trẻ quá nhỏ, dịch mũi đặc, nhiều, quánh sẽ gây khó thở, cần rửa và hút mũi để giúp thông thoáng đường thở.

- Thở khò khè: là dấu hiệu của ứ đọng đờm dãi trên đường hô hấp. Đây là dấu hiệu đáng ngại nhất khi trẻ bị bệnh ho hấp. Tiếng khò khè càng rõ khi trẻ ngủ. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và người già là hai đối tượng dễ suy hô hấp vì tắc đàm do không tự ho khạc được đờm. Để giúp cho trẻ bài xuất các chất tiết trên đường hô hấp cần cho trẻ khí dung các thuốc giãn phế quản, mở rộng đường hô hấp, phối hợp với thuốc long đàm và vỗ rung hô hấp để làm long đàm và giúp trẻ dễ ho khạc đờm ra ngoài. Nhiều khi vỗ rung hô hấp tốt bệnh của trẻ cải thiện rất nhanh. Hiện nay có nhiều phòng khám nhi chuyên làm công việc vỗ rung hô hấp được các mẹ rất tin yêu.

Điều trị các bệnh lý hô hấp của trẻ nhỏ chủ yếu là hạ sốt, hỗ trợ làm sạch đường hô hấp , bù nước, vitamin, dinh dưỡng nâng cao thể trạng. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh trẻ nhiễm vi khuẩn hay virus mà bác sĩ sẽ quyết định trẻ có dùng thuốc kháng sinh hay không. Việc cần đắn đo có dùng kháng sinh cho trẻ em khi bị bệnh hô hấp hay không rất quan trọng. Vì thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng khi trẻ bị nhiễm vi khuẩn, còn thuốc kháng sinh không có tác dụng trên virus. Theo nhiều thống kê thì 70% bệnh hô hấp ở trẻ em là do virus.

Tuy nhiên như thế không có nghĩa là 70% số trẻ bệnh hô hấp không cần dùng kháng sinh. Mà một phần những trẻ ban đầu là nhiễm virus, sau đó do sức đề kháng kém nên bội nhiễm thêm vi khuẩn, khiến bệnh nặng thêm, kéo dài hơn, lúc đó bắt buộc phải dùng kháng sinh. Nên quyết định trẻ bị bệnh hô hấp có cần dùng kháng sinh hay không cần người bác sĩ có kinh nghiệm quyết định. Không nên cực đoan quá là phải dùng hay không dùng kháng sinh.

Một thái cực của dùng kháng sinh là các phòng khám nhỏ hoặc các nhà thuốc. Ở đó họ bị sức ép là trẻ phải đỡ ngay sau liều thuốc đầu tiên, nếu đến ngày thứ 2 mà trẻ còn ho còn khò khè liền bị chê là chữa kém, các mẹ sẽ bế con đi chữa nơi khác. Nên nhất loạt các phòng khám hay nhà thuốc này là kê một đơn thuốc mạnh nhất có thể, đánh phủ đầu, kiểu gì trẻ cũng phải đỡ. Đơn thuốc hầu như bao gồm đủ loại hạ sốt, kháng sinh, kháng viêm, giảm ho, long đờm, vitamin. Phải công nhận là nhiều trẻ dùng đơn này sẽ đỡ nhanh. Nhưng hậu quả là nhiều trẻ bị dùng kháng sinh khi không cần thiết, góp phần làm tăng tỷ lệ kháng thuốc trong cộng đồng.

Một thái cực khác là tẩy chay kháng sinh. Khi con bị ho sốt chỉ dùng thuốc thảo mộc, cho nó sinh thái. Thì cũng công nhận nhiều trẻ chỉ vậy vài ngày là khỏi. Từ đó những người theo trường phái chống kháng sinh càng tự tin vào lý luận của họ, càng ra sức chê bai các bác sĩ lạm dụng kháng sinh cho trẻ nhỏ. Điều nguy hiểm là nhiều trẻ bị nhiễm vi khuẩn không được điều trị kháng sinh kịp thời dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp đến bệnh viện muộn, điều trị tốn kém hơn nhiều.

Cho nên câu chuyện vẫn là tôn trọng và tin tưởng chuyên môn của bác sĩ. Khi trẻ ho sốt cần được làm một xét nghiệm đơn giản là thử công thức máu. Nếu bạch cầu trung tính trong máu tăng cao, thì nghĩa là cháu bị nhiễm vi khuẩn, cần dùng kháng sinh. Còn nếu bạch cầu trung tính bình thường, thậm chí còn giảm, thì đó là trẻ bị nhiễm virus, không cần dùng kháng sinh, chỉ cần điều trị bằng hạ sốt long đàm vitamin. Trường hợp khó hơn là bạch cầu có tăng chút, hơn mức bình thường, nhưng chưa đến mức bất thường rõ, thì tùy kinh nghiệm của bác sĩ cũng như lịch sử bệnh của trẻ, mà có quyết định dùng kháng sinh hay không. Sau đó tùy vào phán đoán chủng vi khuẩn gây bệnh mà bác sĩ sẽ chọn loại kháng sinh và liều lượng phù hợp cho trẻ. Tóm lại là cũng phức tạp, không đơn giản chút nào.

Đại đa số trẻ sẽ đỡ ho đỡ sốt vào ngày điều trị thứ hai thứ ba và sẽ khỏe vào ngày thứ 5 thứ 7. Một số trẻ có thể đến hai tuần mới khỏi. Rất ít trẻ bị tiến triển nặng lên suy hô hấp cần nằm phòng hồi sức để thở máy, dùng kháng sinh đặc trị. Thường những trẻ tiến triển nặng là quá nhỏ tuổi hoặc có mắc thêm các tình trạng khác gây suy giảm miễn dịch như: sinh non, suy dinh dưỡng, các dị tật bẩm sinh…

Dấu hiệu bệnh của trẻ chuyển nặng thành suy hô hấp là: - Thở nhanh, nhịp thở 50 - 60 lần/phút. Các mẹ có thể tự đếm số lần phập phồng của con trong 1 phút, nếu thấy nhịp thở nhanh, là dấu hiệu sớm nhất của suy hô hấp, cần đưa ngay con đi bệnh viện; - Rút lõm lồng ngực. Dấu hiệu của trẻ phải gắng sức khi thở. Ta quan sát thấy lồng ngực trẻ bị rút lõm xuống, hằn các dẻ sườn lên. Đây là dấu hiệu nguy hiểm; - Tím môi và chân tay. Sớm nhất là tím quanh môi, nặng nữa là tím đầu ngón tay ngón chân. Nặng nhất là tím đen cả người. Là dấu hiệu thiếu oxy nặng; - Kích thích vật vã quấy khóc nhiều rồi đi vào li bì hôn mê. Lúc trẻ li bì là đã suy hô hấp rất nặng.  Nên khi trẻ quấy khóc vật vã phải đưa tới bệnh viện ngay. Không được dùng các thuốc an thần cho trẻ vì sẽ gây suy hô hấp thêm.

Ở bệnh viện trẻ suy hô hấp được nhanh chóng cho thở oxy qua mask, hoặc dùng máy thở hỗ trợ hô hấp bên ngoài. Nặng nhất khi oxy máu của trẻ xuống thấp, các hỗ trợ không hiệu quả thì trẻ sẽ được đặt nội khí quản và thở máy. Nếu được cấp cứu kịp thời thì trẻ sẽ nhanh chóng qua được giai đoạn nguy kịch và hồi phục nhanh.

Bệnh hô hấp của trẻ hay bị đi bị lại. Không phải là các bác sĩ chữa không hết bệnh hay phòng khám “nuôi bệnh”, mà đó là đứa trẻ đang trong giai đoạn đầu đời, đang thích nghi tiếp xúc với môi trường xung quanh. Bé sẽ bị nhiễm lần lượt hầu hết các tác nhân gây bệnh trong môi trường, mỗi lần nhiễm một tác nhân mới trẻ lại một lần ho sốt. Cứ như vậy trẻ sẽ ho sốt liên miên, đợt này vừa dứt vài ngày lại bị đợt mới, khiến các mẹ rất mệt mỏi. Đến tuổi đi học thì trẻ đã có một hệ miễn dịch hoàn chỉnh và sẽ không còn hay bệnh nữa. Nên trẻ nhỏ có hay ho sốt thì các mẹ cũng nên bình tĩnh, tin rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Có bạn hỏi nếu vậy cho trẻ uống các thuốc được quảng cáo là tăng cường hệ miễn dịch có tốt không. Tôi xin trả lời như sau: Các thực phẩm chức năng quảng cáo tăng cường miễn dịch cũng có tác dụng nâng sức khỏe cho trẻ. Nhưng thực ra cũng không nhiều, Vì các bạn cần biết khả năng miễn dịch của trẻ là phải xây dựng khả năng miễn dịch chuyên biệt, bị nhiễm con nào rồi thì sau đó sẽ có khả năng miễn dịch với con đó. Giống y như việc tiêm vaccine, tiêm vaccine nào thì phòng được mỗi bệnh đó. Nên phải chấp nhận những năm đầu đời trẻ hay bị bệnh, là lúc trẻ tiếp xúc, nhiễm các bệnh từ môi trường bên ngoài. Điều đó là tất yếu. Không có thuốc nào giúp trẻ không bị nhiễm. Chỉ có là ta sẽ giúp trẻ sau khi nhiễm thì mau khỏi, không có biến chứng nặng thôi./.

Nguyễn Tông