Theo Wikipedia tiếng Việt “bí mật là một thông tin cần phải được bảo vệ không được cho công chúng hoặc những người nào đó được biết đến”. Vậy là, trong một quốc gia, một địa phương, một đơn vị có những điều cần giữ bí mật.
Bí mật là thực hành che giấu thông tin từ một số cá nhân hoặc nhóm không có "nhu cầu cần biết", có thể trong khi lại chia sẻ thông tin đó với các cá nhân khác. Bí mật thường gây tranh cãi, tùy thuộc vào nội dung hoặc bản chất của bí mật, nhóm hoặc người giữ bí mật và động lực để giữ bí mật. Ở phương Tây riêng tư là một quyền bất khả xâm phạm.
Bí mật của các thực thể chính phủ thường được coi là cái gì đó quá mức hoặc thúc đẩy sự hoạt động kém cỏi của hệ thống; tiết lộ quá mức về thông tin về các cá nhân có thể mâu thuẫn với quyền riêng tư và bảo mật. Nó thường tương phản với sự minh bạch xã hội…
Bí mật có nhiều cấp độ, quốc gia, ngành, địa phương đều có những vấn đề không được phép công khai. Vậy bí mật với công khai minh bạch có ranh giới thế nào? Ở đây tôi chỉ xin đề cập tới bí mật quân sự.
Giai đoạn chiến tranh giải phóng miền nam việc đưa tin sư đoàn này, quân đoàn kia rất nghiêm ngặt, tháng 3-1975 khi sư đoàn 316 hành quân vào Tây Nguyên, chúng ta đến đâu, tình báo địch biết đến đấy, thông tin vô tuyến của ta phải nghi binh làm như hành quân quay ra bắc… Chỉ huy từ cấp chiến dịch trở lên gần như đơn vị nào biết đơn vị ấy. Thường trên báo chí chỉ ghi đoàn X đoàn Y...
Bây giờ báo chí công khai hết, đặc biệt là báo điện tử. Thiếu tướng A được điều về làm tư lệnh quân khu B, Đại tá D thay Trung tướng C nghỉ hưu từ ngày… Thậm chí kèm giới thiệu luôn lý lịch. Nghĩa là tình báo đối phương không phải cố công theo dõi móc nối để tìm hiểu, phân tích.
Có người bảo bây giờ là thời bình cái gì cũng có thể công khai như thế xã hội mới phát triển, nhưng việc công khai chi tiết từng đơn vị, từng cá nhân cả đến địa chỉ cụ thể, sở thích từng người như hiện nay tôi thấy có gì đó không ổn. Kinh tế, quân sự đều là những thông tin tình báo các nước luôn quan tâm. Bí mật để tự bảo vệ mình là điều hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, cũng phải nói lại có những “nhà tham nhũng” lợi dụng bí mật để che dấu hành vi phạm tội của mình như vụ AVG chẳng hạn, là quan hệ dân sự nếu không khuất tất cần gì phải dấu. Phải làm rõ được giới hạn bí mật và minh bạch thông tin là rất cần thiết đối với thông tin đại chúng. Các cơ quan có trách nhiệm nên ra soát lại danh mục bí mật khi thông tin để đáp ứng nhu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc./.