Bằng giả và bằng thật kiến thức giả

Sáng 23/12/2021, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Đại học Đông Đô.

Theo hồ sơ truy tố, quá trình tuyển sinh đào tạo của Trường Đại học Đông Đô, Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT) thấy một số cá nhân có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh sử dụng làm nghiên cứu sinh, học thạc sỹ, thi tuyển công chức, thi nâng ngạch nên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo Ban Giám hiệu và các đơn vị liên quan làm, cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho những người có nhu cầu.

Từ tháng 4/2018 - 3/2019, Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. Đến nay, Cơ quan điều tra làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và việc sử dụng bằng giả để kiến nghị xử lý theo quy định; 221 trường hợp khác được cấp văn bằng giả xác định được họ tên, tuổi người nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác. Việc làm của trường Đại học Đông Đô là vi phạm pháp luật  nghiêm trọng, tạo điều kiện cho những kẻ kém tài, kém đức dùng tiền để chiếm ghế làm lũng đoạn các cơ quan công quyền.

Vì sao chuyện mua bằng và bằng giả nở rộ như nấm sau mưa như vậy?. Phải chăng, cũng vì những quy định rối rắm của các cơ quan nhà nước, coi trọng bằng cấp một cách thiếu chọn lọc không khoa học và thiếu tính thực tế. Minh chứng rõ ràng là Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 phải có 40% cán bộ diện ban thường vụ quản lý có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ. Trong bối cảnh “học giả, thi giả và nhân tài giả” đang tràn lan đến mức Thủ tướng vừa giao cho bộ GD & ĐT phải “học thật thi thật và nhân tài thật” thì chỉ tiêu 40% cán bộ là tiến sỹ, thạc sỹ của Hà Nội đã vô tình thúc đẩy các lò đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ tràn lan kém chất lượng?

bi-cao-duong-van-hoacuu-hieu-truong-duoc-dan-giai-ra-toa-vao-sang-23122021-1640311241.jpg
Ảnh minh họa

Thanh tra Bộ GD-ĐT có kết luận thanh tra việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội (KHXH), Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, nơi được dân mạng gọi là “lò ấp tiến sỹ”.

Kết luận thanh tra cho thấy đào tạo thạc sĩ tiến sĩ tại Học viện KHXH còn nhiều sai phạm. Việc xác định chỉ tiêu của Học viện còn nhiều sai phạm. Trong khi chỉ còn 86 chỉ tiêu trong đó chỉ tiêu khối ngành III là 33 và 53 chỉ tiêu khối ngành VII), không còn chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ của khối ngành I và trình độ tiến sĩ của tất cả các khối ngành mà học viện vẫn tuyển lên đến hơn 2000 người. Song song với sai phạm này thì việc Một thầy hướng dẫn 44 học viên cao học cùng lúc, trong khi Theo Thông tư 05 năm 2012 sửa đổi một số điều trong quy chế đào tạo tiến sĩ ban hành từ năm 2009 (quy định có hiệu lực tại thời điểm thanh tra) quy định, giáo sư được hướng dẫn cùng lúc không quá 5 nghiên cứu sinh; phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học được hướng dẫn cùng lúc không quá 4 nghiên cứu sinh; tiến sĩ được hướng dẫn cùng lúc không quá 3 nghiên cứu sinh ở tất cả các cơ sở đào tạo là sai phạm nặng nề.

Về tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện KHXH cũng còn nhiều sai phạm. Cụ thể, chương trình đào tạo thạc sĩ của 36 chuyên ngành đã được ban hành nhưng quy trình xây dựng và thẩm định chưa được thực theo đúng quy định. Nhiều người không đủ điều kiện tham gia hội đồng vẫn được Học viện đưa vào danh sách hội đồng đánh giá luận văn tốt nghiệp. Chẳng hạn, các GS, PGS chuyên ngành về tâm lý học lại ngồi hội đồng của học viên chuyên ngành quản lý giáo dục.

Kiểm tra danh sách phân công hướng dẫn thạc sĩ ngành Luật, ngành Chính sách công đợt 1 năm 2015 và ngành Công tác xã hội năm 2015 cho thấy có nhiều người được phân công hướng dẫn số lượng học viện tại cùng thời điểm vượt quá quy định. Tại một thời điểm có người được giao hướng dẫn tới 44 học viên gồm 29 học viên ngành Luật, 10 học viên ngành Chính sách công, 5 học viên ngành Công tác xã hội. Có người được giao 18, 11, 10 hoặc 9 người.

Từ ngày 1.1.2015 đến 31.12.2015, chỉ riêng Học Viện Khoa học Xã hội đã cho “RA LÒ ” 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là 01 ngày 03 giờ 55 phút cho RA LÒ 1 tiến sĩ. Một kỷ lục mà chắc không có Viện nghiên cứu nào trên trái đất này phá vỡ được! Với những sai phạm nghiêm trọng nêu trên, chả cần nói thì công luận cũng thừa biết: Dù các nghiên cứu sinh nói trên được cấp bằng thật của Viện Hàn Lâm nhưng những cái bằng đó có hơn gì bằng giả và các cán bộ trên sẽ làm lợi gì cho xã hội với những cái bằng “thật mà giả” nói trên!?./.

Nhà báo Đỗ Qúy Thích