Cụ thể, đối với sản xuất cây trồng vụ Đông, các địa phương tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân chăm sóc, thu hoạch các loại rau màu đã đến kỳ thu hoạch đảm bảo năng suất, chất lượng. Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ rau, quả thực phẩm lớn, do vậy cần có kế hoạch gieo trồng, thu hoạch cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tránh thu hoạch tập trung dẫn đến dư thừa, rớt giá. Cùng đó, rà soát, khoanh vùng cây rau màu vụ Đông thu hoạch muộn (đặc biệt là khoai tây) để có phương án điều tiết nước đổ ải phù hợp, tránh gây ngập úng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản.
Đối với sản xuất vụ Chiêm Xuân, cần chỉ đạo nông dân tập trung vệ sinh đồng ruộng, đẩy nhanh việc cày ải, phơi đất nhằm cải tạo đất và hạn chế nơi cư trú của sâu bệnh hại. Hướng dẫn nông dân chủ động chuẩn bị nguồn giống, vật tư phân bón để gieo trồng; thực hiện nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy thuận lợi cho việc lấy nước chuẩn bị phục vụ sản xuất vụ Chiêm Xuân 2022- 2023 đạt hiệu quả.
Về việc chỉ đạo, hướng dẫn nông dân gieo cấy lúa vụ Chiêm Xuân chủ yếu là trà xuân muộn (trừ một số nơi đặc thù vùng trũng, cấy sớm chạy lũ Tiểu mãn), cần cấy bằng các giống lúa ngắn ngày. Thời vụ gieo cấy tập trung sau Tết Nguyên đán, gieo mạ từ 01/2/2023 đến 15/02/2023, cấy tập trung trong tháng 2/2023 và kết thúc trước ngày 10/3/2023 (trừ một số xã vùng cao của huyện Sơn Động, Lục Ngạn). Đối với lúa gieo thẳng, thời gian gieo tập trung từ 15/2/2023 đến hết tháng 2/2023.
Cần khuyến cáo nông dân 100% diện tích mạ gieo được che phủ nilon, áp dụng kỹ thuật gieo mạ dầy xúc, mạ sân, mạ trên nền đất cứng, mạ khay; làm đất gieo mạ theo luống hẹp (mặt luống rộng 1,2-1,5m) để thuận lợi cho việc che phủ nilon chống rét và hạn chế nhiễm bệnh vàng lùn xoắn lá, lùn sọc đen. Đồng thời xử lý hạt giống trước khi gieo, theo dõi quản lý các đối tượng sâu bệnh gây hại ngay từ giai đoạn mạ để diệt trừ các mầm bệnh. Tuyệt đối không ngâm ủ, gieo cấy, bón phân đạm khi nhiệt độ xuống dưới 15 °C.
Các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động xây dựng phương án tưới tiêu hợp lý để đảm bảo đủ nguồn nước đổ ải, tưới dưỡng cho cây trồng. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến tình hình sinh vật gây hại để tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo phòng trừ kịp thời, đặc biệt quan tâm đến một số đối tượng sinh vật gây hại ngay từ đầu vụ như: Tập đoàn rầy, ốc bươu vàng, bọ trĩ, chuột trên mạ; nhóm chích hút, tập đoàn sâu ăn lá, bệnh sương mai, héo xanh, rỉ sắt trên cây rau màu; sâu đo, nhện lông nhung, bệnh sương mai trên vải thiều… Rà soát diện tích gieo cấy lúa không thuận lợi nước tưới tiêu, sản xuất kém hiệu quả để chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang trồng cây rau màu, dược liệu... có hiệu quả kinh tế cao hơn./.