APEC hướng tới tạo điều kiện để kinh tế phát triển toàn diện

Ngày 24/9, các bộ trưởng và quan chức các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã tái cam kết thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và tăng cường quyền lực kinh tế cho phụ nữ, tạo điều kiện để kinh tế khu vực phát triển toàn diện, hiệu quả và bền vững hơn.
apec-binh-dang-gioi-1632557327.jpeg
APEC hướng tới tạo điều kiện để kinh tế phát triển toàn diện

Ngày 24/9, các bộ trưởng và quan chức các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã tái cam kết thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và tăng cường quyền lực kinh tế cho phụ nữ, tạo điều kiện để kinh tế khu vực phát triển toàn diện, hiệu quả và bền vững hơn.

Các cam kết được đưa ra tại Diễn đàn APEC về phụ nữ và kinh tế 2021 do New Zealand (Niu Di-lân) chủ trì diễn ra theo hình thức trực tuyến. Nhận thức những tác động nghiêm trọng và bất bình đẳng của đại dịch COVID-19 với phụ nữ và trẻ em gái, các bộ trưởng, các quan chức và các nhà lãnh đạo kinh tế đã cam kết triển khai những chính sách giúp nâng cao cơ hội tiếp cận nguồn vốn và thị trường cho phụ nữ, thúc đẩy phụ nữ tham gia lực lượng lao động, nâng cao cơ hội cho phụ nữ nắm giữ những chức vụ lãnh đạo và hỗ trợ giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng cho nữ giới.

Bộ trưởng Phụ nữ New Zealand, Jan Tinetti, người chủ trì Diễn đàn, đã kêu gọi các nước thành viên quan tâm thích đáng tới những tác động của đại dịch đối với cơ hội việc làm và đời sống của phụ nữ. Bà nhấn mạnh phụ nữ đảm nhận rất nhiều công việc quan trọng, có vai trò rõ nét trong ứng phó đại dịch COVID-19, như nhà khoa học, chuyên gia y tế, nhân viên giáo dục hay nhiều vị trí khác. Bên cạnh đó, họ còn phải đảm nhiệm công việc nhà.

Theo báo cáo mới về phụ nữ và kinh tế của APEC, quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh và mạnh trong thời gian đại dịch COVID-19 cũng làm gia tăng gánh nặng cho lao động là nữ giới khi họ vừa phải làm việc từ xa lại vừa phải đảm đương các việc chăm sóc gia đình, nội trợ. Bộ trưởng Phụ nữ New Zealand kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC cùng phối hợp và thực hiện những hành động mạnh mẽ, tập thể nhằm giảm thiểu nguy cơ đại dịch COVID-19 đẩy lùi những tiến bộ trong phong trào vì phụ nữ vốn rất khó khăn mới có thể đạt được trong những năm qua.

Các thành viên đã nhất trí triển khai những chính sách cho phép và thúc đẩy phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực kinh tế chính thức, bằng cách phát hiện và thu hẹp khoảng cách chi trả lương, phân biệt nghề nghiệp và gỡ bỏ những rào cản phân biệt mang tính pháp lý và quy định đối với những doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ điều hành hay các doanh nhân là nữ giới. Các bộ trưởng cũng cam kết thúc đẩy cân bằng công việc và cuộc sống, chia sẻ công bằng trách nhiệm thực hiện những nghĩa vụ và công việc chăm sóc gia đình thông qua mở rộng các dịch vụ chăm sóc người già và trẻ nhỏ cũng như cơ hội tiếp cận các hệ thống bảo vệ xã hội. Các quốc gia thành viên APEC sẽ tiếp tục chia sẻ những cách làm hiệu quả, kết hợp các giải pháp công nghệ và kỹ thuật số giúp nâng cao khả năng quản lý những công việc được trả lương và không công.

Bộ trưởng Tinetti nhấn mạnh, việc đạt được mục tiêu bình đẳng giới không phải là điều dễ dàng, việc đưa ra được các chính sách và các cách tiếp cận nhìn nhận vấn đề là đặc biệt quan trọng để tiến tới tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch. Những quyết định và phản ứng ngày hôm nay sẽ đặt nền móng cho tương lai bền vững mai sau của phụ nữ và trẻ em gái, cho nền kinh tế khu vực có khả năng chống chịu và toàn diện hơn. Bà Tinetti kết luận bằng việc sát cánh bên nhau, APEC sẽ giải quyết được những rào cản mang tính cấu trúc đã tồn tại từ lâu để giúp phụ nữ tham gia đầy đủ và có ý nghĩa hơn vào nền kinh tế khu vực./.

Lê Minh (Theo AFP)