ADB nhận định về những yếu tố có thể làm thay đổi FDI vào Việt Nam trong thời gian tới

Vốn FDI vào Việt Nam có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới, không phải vì Việt Nam kém hấp dẫn đi mà bởi nhiều cạnh tranh hơn và nhà đầu tư áp dụng chiến lược chuyển sản xuất về chính quốc.
adb-1695815715.jpg
Họp báo ngày 27/9 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Công bố tại cuộc họp báo ngày 27/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định 2023 là một năm đầy thách thức với kinh tế Việt Nam trong bối cảnh môi trường bên ngoài có biến động, kinh tế nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng như Trung Quốc chững lại.

Trong thời gian tới, nền kinh tế sẽ khởi sắc bởi được hỗ trợ từ tiêu dùng, đầu tư công tăng tốc. Xét đến các yếu tố bên ngoài, dự báo tăng trưởng 2023 được ADB điều chỉnh xuống 5,8%. Còn với năm 2024, ADB cho rằng GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6%.

ADB dự báo, lạm phát giảm xuống tương ứng ở mức 4% vào năm 2024. Chính phủ đã chủ động ứng phó bằng các biện pháp can thiệp phù hợp, các chính sách tài chính và tiền tệ phối kết hợp đã giúp phục hồi kinh tế. Theo ADB, trọng tâm chính hiện nay là cần tập trung vào việc làm để thúc đẩy hơn nữa hoạt động kinh tế trong nước.

Theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của ADB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã giảm lãi suất bốn lần trong năm nay, động thái chính sách này phù hợp và hiệu quả. Chính sách tiền tệ thích ứng đã giúp kinh tế Việt Nam ổn định và tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế rất tốt đến năm 2024.

Nhận xét về bối cảnh bên ngoài, ông nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phân tích trong xu thế chung, gần như tất cả các nước trong khu vực đều được đánh giá tăng trưởng chậm lại, trừ những nước có thị trường nội địa tốt như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB chỉ ra nửa đầu năm 2023, tăng trưởng GDP chững lại so với đà tăng trưởng tích cực của năm 2022, chỉ còn 3,7%, trong khi nửa đầu năm 2022 GDP tăng trưởng 6,5%, nửa sau 9,5%, cả năm là 8%.

Đầu tư công tăng trưởng bền vững và ổn định trong những năm gần đây và nhờ vậy mang lại yếu tố tích cực cho GDP. Theo dự báo của ADB, lạm phát của năm 2023 sẽ ở mức 3,8%, lạm phát của năm 2024 ở mức 4%.

Có những vấn đề nội tại đã xuất hiện tại Việt Nam trong đại dịch COVID-19 ví như việc kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và doanh nghiệp FDI, điều này có thể trở thành rủi ro trong thời gian tới.

Ngoài ra, tài nguyên nước biến động mất ổn định hơn so với trước đây ảnh hưởng đến nông nghiệp. Hiện nay đang có xu hướng ElNino, với Việt Nam khi mà lượng mưa giảm đi, đồng nghĩa các hoạt động sản xuất lao động bị ảnh hưởng, sản lượng sẽ giảm.

Trong đánh giá chung của cả vùng, ElNino ảnh hưởng đến sản xuất của cả khu vực. cải thiện tài nguyên nước, cân đối hệ thống thủy lợi tưới tiêu, có thể cân đối nguồn nước cho nông nghiệp hoặc thủy lợi làm sao cho phù hợp.

Ông Hùng nhấn mạnh đến thông điệp chính của ADB, thứ nhất, tăng trưởng kinh tế có khả năng phục hồi trong môi trường nhiều thách thức, triển vọng vừa lạc quan vừa thận trọng do các yếu tố nội tại được cải thiện và những biện pháp chính sách chủ động.

Vẫn còn nhiều rủi ro đối với triển vọng phát triển. Kinh tế toàn cầu suy giảm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, hạn chế tăng trưởng.

Trong bối cảnh của Việt Nam, FDI thực sự có vai trò to lớn. Việt Nam đã nổi lên như điểm đến ưa thích của FDI trong khu vực bởi có những người lao động có kỹ năng và yếu tố địa chính trị thuận lợi. FDI không phải động lực chính của nền kinh tế nhưng FDI dựa vào xuất khẩu là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Ông Hùng khẳng định cần phải nhấn mạnh đến có những điểm đến cũng cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút FDI trong khu vực, và nhóm các nước này cũng rất sẵn sàng tung ra các gói tài chính mà Việt Nam không thể cạnh tranh, chính vì vậy Việt Nam cần phải cạnh tranh bằng việc đảm bảo môi trường thông thoáng thuận lợi, minh bạch rõ ràng và hiện đại, ngoài ra tăng cường phát triển số hóa và năng lượng xanh để thu hút thêm nữa đầu tư nước ngoài.

Ông Hùng đồng thời không loại bỏ khả năng FDI vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ có những thay đổi. Đi kèm với biến động về địa chính trị trong thời gian qua, một số ngành hàng như ngành hàng điện tử có dấu hiệu dịch chuyển về khu vực trong chiến lược “reshoring” tức là chuyển về chính quốc. Cụ thể, Mỹ và một số nước phương Tây muốn kéo doanh nghiệp quay trở về với nước của họ, chắc chắn yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến FDI trong thời gian tới. Chính vì vậy, vốn FDI sẽ có thể giảm bớt trong một số lĩnh vực.

Ngọc Diệp