Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, cộng dồn 7 tháng năm 2022, Hà Nội có hơn 17.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt trên 196.000 tỷ đồng, giảm 4%; thực hiện thủ tục giải thể cho 2.200 doanh nghiệp, tăng 10%; 12.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 47%; 7.300 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 11%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 7 ước tính tăng 0,3% so với tháng trước và tương đương cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2022, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,8%; khu vực Nhà nước giảm 12,7%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 0,5%.
Một số ngành công nghiệp có lao động làm việc tăng cao là: Sản xuất xe có động cơ tăng 20,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 7,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 5,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 3,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1%; hoạt động thu gom, xử lý rác thải, tái chế phế liệu tăng 92,7%.
Để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 của Thành phố, thời gian tới đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương, tập trung thực hiện nghiêm túc các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; của Thành phố về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Tiếp tục đẩy mạnh phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó một trong những nhiệm vụ ưu tiên là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố.
Thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh như chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố, thúc đẩy liên kết, hợp tác; tổ chức tuyên truyền và thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2022.
Ngoài ra, xác định việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND về tăng cường thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Theo đó, những tháng cuối năm, cùng với tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định từ đầu năm, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tăng cường hoạt động một cách quyết liệt và thực chất hơn của 6 Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
UBND thành phố Hà Nội giao giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thành phố; các chủ đầu tư dự án cần tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong thực hiện kế hoạch đầu tư công...