7 tác hại của rượu và bia với sức khỏe con người

Rượu và bia có tác động đáng kể với cơ thể và đáng lo ngại là hơn 40% nam giới Việt Nam tiêu thụ hai loại đồ uống này một cách quá mức.
ruou-bia-1696686510.jpg
Rượu bia gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người - Ảnh minh họa.

Rượu bia và đồ uống có chứa cồn đã được xác định là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 loại bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của hơn 200 loại bệnh tật và chấn thương, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh, chuyên khoa Nội soi tại Bệnh viện K (Hà Nội), đã cảnh báo rằng uống rượu ở bất kỳ mức độ nào cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam, trong số 548.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam, nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.000 ca. Việt Nam đứng thứ hai trong các nước Đông Nam Á và thứ ba châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia tính trên đầu người. Tình trạng uống quá độ và gây hại cho sức khỏe đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam, đặc biệt là trong số nam giới với tỷ lệ lên tới 44,2%.

Một số nghiên cứu đã đề xuất rằng uống rượu ở mức độ vừa phải có thể có lợi cho hệ tim mạch. Tuy nhiên, nghiên cứu được công bố trên tạp chí uy tín The Lancet vào năm 2018 đã khuyến cáo rằng mức uống rượu thực sự an toàn và duy nhất là "không uống".

Theo Hướng dẫn Chế độ ăn uống của Mỹ, nam giới không nên uống quá hai ly mỗi ngày và nữ giới không nên uống quá một ly, tùy thuộc vào sự khác nhau về chuyển hóa và mức độ hấp thụ rượu. Uống càng ít sẽ càng tốt cho sức khỏe, và uống nhiều rượu sẽ tăng nguy cơ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến rượu.

Uống quá mức và trong thời gian dài, rượu có thể gây hại cho nhiều hệ cơ quan và tạo ra những tác động xấu cho sức khỏe như:

Gây hại sức khỏe tim mạch: Sử dụng rượu quá mức có thể tăng nguy cơ bệnh tim và tăng cholesterol trong máu, bao gồm nhồi máu cơ tim, và có thể làm trầm trọng bệnh tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ.

Không tốt cho não bộ, gây rối loạn thần kinh: Uống quá nhiều rượu trong thời gian dài có thể dẫn đến lạm dụng rượu và gây hại cho hệ thống não, gây rối loạn nhận thức như học tập và trí nhớ, cũng như gây trầm cảm. Nhiễm độc cấp tính đồ uống có cồn kết hợp với các rối loạn hành vi liên quan có thể dẫn đến hành vi nguy cơ: quan hệ tình dục không an toàn, tai nạn, chấn thương (khi đang điều khiển phương tiện, máy móc), bạo lực. Việc sử dụng thường xuyên rượu bia dẫn đến tình trạng thích nghi thần kinh là cơ chế của quá trình dung nạp khiến cho việc giảm liều lượng hoặc ngừng sử dụng sẽ dẫn đến các hội chứng “cai rượu” như tình trạng kích động, lo lắng.

Rượu bia đã được chứng minh là tác động ở cấp phân tử và cấp tế bào đến quá trình hình thành và phát triển của não. Thanh thiếu niên đặc biệt nhạy cảm với các tác hại này của rượu bia. Ở vị thành niên, rượu bia có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc của đồi hải mã, là vùng não có vai trò quan trọng cho quá trình học tập.

Tàn phá gan: Rượu có thể gây viêm gan, xơ gan, và thậm chí ung thư gan. Sử dụng rượu thường xuyên gây ra tình trạng thiếu oxy trong gan và tăng tiếp xúc của gan với các sản phẩm độc hại phát sinh trong quá trình chuyển hóa cồn của cơ thể. Chất cồn cũng làm tăng nồng độ lipopolysaccharide, một hợp chất độc hại, và khi kết hợp với các chất độc hại nêu trên, nó có thể gây tổn thương gan dẫn đến xơ gan. Ngoài ra, cồn còn làm trầm trọng thêm các tổn thương gan do vi rút viêm gan C gây ra. Sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên là nguyên nhân của các vấn đề tụy như viêm tụy cấp tính hoặc viêm tụy mạn tính.

Ảnh hưởng tuyến tụy: Uống rượu có thể gây viêm tụy và gây khả năng tiêu hóa thức ăn kém.

Rủi ro hệ thống miễn dịch: Uống quá nhiều rượu có thể làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng và bệnh tật của cơ thể. Người nghiện bia rượu thường bị suy giảm miễn dịch và có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm (viêm phổi, lao, HIV) cao hơn.

Tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư: Rượu và chất ethanol có trong rượu là các chất đã được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm các chất gây ung thư, do đã có các nghiên cứu về khả năng gây ung thư ở con người. Các loại ung thư gây ra bởi rượu với bao gồm ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Mối liên hệ giữa việc tiêu thụ rượu và nguy cơ mắc ung thư là tuyến tính, có nghĩa là lượng rượu uống càng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư càng cao.

Tác hại cho cơ xương: Rượu có thể làm cho cơ xương trở nên yếu hơn và gia tăng nguy cơ gãy xương. Hơn nữa, những người bị rối loạn sử dụng rượu còn có nguy cơ mắc bệnh gút do tăng nồng độ axit uric trong cơ thể.

Việc sử dụng rượu cũng có thể tạo ra nguy cơ cao cho các chấn thương và tai nạn, tác động sâu rộng vào đời sống xã hội và tình hình an ninh trật tự, thậm chí là các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình. Tai nạn giao thông thường liên quan đến việc sử dụng rượu, vì vậy việc hạn chế việc tiêu thụ rượu khi tham gia giao thông là rất quan trọng. Chúng ta cần nhận thức về các tác động xấu của rượu bia và kiểm soát lượng tiêu thụ để bảo vệ sức khỏe cá nhân và xã hội.

Diễm Quỳnh