12 giám đốc ở Bình Dương bị khởi tố do vi phạm về đất đai

Công an tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) đã tiếp nhận 441 đơn tố giác tội phạm, trong đó có 377/441 đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai, chiếm tỷ lệ 85,4%.

Quá trình xác minh, điều tra, PC03 cho biết đã khởi tố 14 vụ án với 12 bị can - là các giám đốc công ty bất động sản, về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua bán bất động sản, “dự án ma”, có khoảng 600 người dân là bị hại trong các vụ án lừa đảo này. Các dự án lừa đảo xảy ra tại Công ty Đất Việt, Công ty Điền Phú Phát, Công ty Phước Điền, Công ty VHO, Công ty Farms Land, Công ty Đông Bình Dương, Công ty Thăng Long Real,... với số tiền lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Với phương thức rất tinh vi nhằm lừa đảo, cụ thể, các đối tượng thu gom đất nông nghiệp ở các địa bàn “sốt” đất, tự ý làm hạ tầng rồi phân lô tách thửa mà không thực hiện các thủ tục pháp theo quy định. Nhất là các khu vực phân lô tách thửa đất không phải là đất ở, không được quy hoạch là đất ở.

ls-1669102031.jpg
Khoảng 600 người dân là bị hại trong các vụ án lừa đảo bằng hình thức mua, bán bất động sản. (Ảnh minh họa, nguồn: luatsu247.vn)

Sau đó, sử dụng pháp nhân công ty do các đối tượng thành lập hoặc ký hợp đồng với các công ty môi giới bất động sản quảng cáo sai sự thật, chào bán dưới nhiều hình thức qua sàn giao dịch hoặc mạng xã hội…

Khi khách hàng đòi giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cố tình kéo dài thời gian, thỏa thuận chi trả một phần tiền phạt chậm bàn giao hoặc ký phụ lục hợp đồng cam kết nhằm tiếp tục tạo lòng tin...

Nổi bật trong đó là vụ án xảy ra tại Công ty City Land với thủ đoạn thành lập 3 công ty thành viên, thu gom đất nông nghiệp ở xã Lai Hưng, (Bàu Bàng), xã Phước Hòa (Phú Giáo), xã Thanh An (Dầu Tiếng) rồi tự vẽ dự án, phân lô, tách thửa và ký hơn 420 hợp đồng chuyển nhượng đất để chiếm đoạt số tiền trên 160 tỷ đồng…

Ngoài ra chủ đầu tư còn tự ý xây dựng, ký hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng góp vốn nhưng thực tế là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thu tiền của khách hàng khi dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý như: Chưa có quyết định giao đất, chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa được phép huy động vốn… Hoặc chủ sở hữu đất lợi dụng làm thủ tục tách thửa cho các thành viên trong gia đình nhưng thực chất là ủy quyền cho doanh nghiệp tách thửa bán nền, khiến người mua có nguy cơ gặp rủi ro vì pháp lý không rõ ràng.

PC03 cho biết sẽ đề nghị đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc về các dự án, việc quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, cấp phép xây dựng, nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản… để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tự ý phân lô, tách thửa, bán nền trái quy định của pháp luật.

Hiện toàn tỉnh Bình Dương có 480 dự án khu dân cư với tổng diện tích 5.933ha và 561 khu phân lô tự phát.

Văn Minh