Xử phạt nghiêm minh, đảm bảo sự răn đe đối với hành vi sử dụng các loại hóa chất độc hại

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sửa đổi luật này phải thể chế hóa chủ trương, triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước, tại Kết luận số 36 của Bộ Chính trị; Kết luận số 81 của Bộ chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên môi trường. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường chế tài xử phạt nghiêm minh, đảm bảo sự răn đe.

Sáng nay 12/9, tại Phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

luat-hoa-chat-sua-doi-1-1726128124.jpg
Toàn cảnh Phiên thảo luận về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). (Ảnh quochoi.vn)

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với chủ trương, định hướng

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành luật nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất, giảm thiểu tối đa rủi ro của các hoạt động hóa chất tới sức khỏe người dân, môi trường, tài sản, xã hội...

Bên cạnh đó, hài hòa hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất với quy định của các nước trên thế giới, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn hóa chất lớn với công nghệ, hệ thống quản lý hiện đại, sản phẩm có giá trị cao trên thế giới mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế, đầu tư sản xuất các sản phẩm hóa chất thiết yếu góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Dự thảo Luật gồm 89 Điều, 10 Chương; quy định về hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất, quản lý nhà nước về hóa chất.

luat-hoa-chat-sua-doi-2-1726128161.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh quochoi.vn)

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thi hành luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Các quy định đối với dự án hóa chất chủ yếu tập trung vào các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, chưa đề cập đến các yêu cầu về công nghệ, định hướng phát triển ngành.

Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về quản lý hóa chất đôi khi còn chưa nghiêm. Nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Mục đích sửa đổi luật nhằm hài hòa hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất với quy định của các nước trên thế giới, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn hóa chất lớn với công nghệ, hệ thống quản lý hiện đại. Việc sửa đổi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế, đầu tư sản xuất các sản phẩm hóa chất thiết yếu.

luat-hoa-chat-sua-doi-3-1726128201.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.(Ảnh quochoi.vn)

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Thời gian gửi hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định; đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh (Điều 1), áp dụng pháp luật (Điều 3), giải thích từ ngữ (Điều 4), Thường trực Ủy ban thống nhất với tên gọi là Luật Hóa chất (sửa đổi) bảo đảm tính kế thừa, phát triển Luật Hóa chất hiện hành.

Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát phạm vi điều chỉnh để tránh trường hợp quy định quá rộng hoặc liệt kê không đầy đủ, bảo đảm không phát sinh chồng chéo, xung đột với một số luật khác.

Đối với phát triển công nghiệp hóa chất (Chương II), có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ có 6 Điều quy định về phát triển công nghiệp hóa chất là chưa đầy đủ, đề nghị nghiên cứu, bổ sung phù hợp một số nội dung quy định như đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thị trường, nguyên liệu, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học và công nghệ… trong công nghiệp hóa chất.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật cũng như Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Sửa đổi Luật Hóa chất đáp bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và cam kết quốc tế

Việc sửa đổi Luật Hóa chất đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động hóa chất, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Hóa chất hiện hành.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thông tin, đánh giá tác động chính sách đầy đủ hơn đối với các nội dung chính sách, bổ sung số liệu dẫn chứng cụ thể trong Báo cáo; bổ sung đánh giá toàn diện về các nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính khả thi trong trong thực tế.

Đề cập hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa, theo ông Lê Quang Huy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị làm rõ nội dung quản lý này; làm rõ chức năng của cơ quan liên quan như các Bộ: Công Thương, Y tế, NN&PTNT về quản lý hóa chất trong sản phẩm chứa hóa chất.

luat-hoa-chat-sua-doi-4-1726128240.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận.(Ảnh quochoi.vn)

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh quan điểm là phải tiếp tục rà soát, thể chế hóa chủ trương xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước đã nêu tại Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị; Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên môi trường.

Đây là kết luận quan trọng, đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng.

Đối chiếu với các chương, điều, khoản của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, chưa thể hiện rõ những chủ trương này, do đó, đề nghị ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng thể cụ thể hóa trong luật.

Đối với vấn đề quản lý, sử dụng hóa chất cần khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến quy trình, công nghệ, chuyển đổi sang các hóa chất ít nguy hại hơn hoặc giảm thiểu sử dụng hóa chất nguy hại; tăng cường kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hóa chất, đặc biệt là các hóa chất nhập khẩu; nâng cao nhận thức về giáo dục, tăng cường truyền thông về tác hại, an toàn hóa chất đối với cộng đồng.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường chế tài xử phạt nghiêm minh, đảm bảo sự răn đe. “Một cơ sở sản xuất gây độc hại, phạt 10 triệu, 20 triệu, hay 50 triệu thì không ăn thua. Họ bán ra hàng tỷ, chỉ phạt 50 triệu thì không thấm vào đâu cả”, ông Trần Thanh Mẫn nói.

luat-hoa-chat-sua-doi-5-1726128095.jpg
Lãnh đạo Quốc hội tham dự Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh quochoi.vn)

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công Thương xem lại Luật Điện lực sửa đổi, ngồi lại với cơ quan thẩm tra xem xét cụ thể. Theo quy trình, luật phải thông qua tại 2 kỳ họp, nhưng Chính phủ muốn thông qua tại 1 kỳ họp. Theo ông, Luật Điện lực sửa rất nhiều chứ không phải một số điều, nên phải xem xét, vì có nhiều điểm sửa đổi cũng nhạy cảm, nên phải thận trọng.

Chủ tịch Quốc hội nói thêm, đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã xem xét 1 luật sửa 9 luật, gần đây nhất là 1 luật sửa 4 luật - sửa lại có hiệu lực từ 1/8/2024 thay vì 1/1/2025. Các bộ, ngành nói đảm bảo trong tháng 7 các nghị định, thông tư, địa phương hướng dẫn đầy đủ. Tuy nhiên theo ông, tới nay, Luật Đất đai còn 2 nghị định, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn 1 – 2 thông tư nữa. Theo báo cáo cách đây ít ngày, mới có 12/63 địa phương có hướng dẫn.

“Quốc hội rất sốt ruột, làm sao luật có rồi chúng ta phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh phải xem xét, những gì đã hứa trước quốc dân đồng bào thì phải thực hiện thật nghiêm./.

Bình Châu