Ung thư tại Việt Nam và những con số đáng báo động

Ung thư là căn bệnh quái ác cướp đi sinh mạng của hàng vạn người trên thế giới. Tại Việt Nam, căn bệnh này đã và đang gia tăng một cách nhanh chóng, trở thành nỗi lo của toàn xã hội.
u1-1698021209.jpg
Ung thư đã và đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người bởi đa số bệnh nhân phát hiện đều ở giai đoạn muộn

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm tại Đông Nam Á có thêm 1,7 triệu ca ung thư mắc mới và dự kiến đến năm 2030, tỷ lệ tử vong sẽ tăng hơn 45%. Năm 2020, Việt Nam ghi nhận 182,563 ca mới trên tổng số 97,3 triệu dân. 

Báo cáo của Tổ chức Ung thư Thế giới GLOBOCAN 2020 chỉ rõ 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam bao gồm: ung thư gan chiếm tỷ lệ cao nhất (14,5%), tiếp đến là ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8), ung thư dạ dày (9,8%) và ung thư đại trực tràng (9%). 

Một thực tế đáng buồn, khoảng 80% bệnh nhân ung thư tại Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi các phương pháp điều trị đã không còn mang lại hiệu quả mong muốn. Điều trị ung thư giai đoạn cuối gây áp lực tài chính cũng như tâm lý nặng nề cho bệnh nhân và gia đình, dồn thêm gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đã quá tải. 

Với tỷ lệ tử vong cao, từ lâu ung thư đã được nhiều người Việt xem như bệnh nan y, là “án tử”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nhiều bệnh ung thư có thể chữa trị khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Với một số loại ung thư phổ biến như ung thư đại trực tràng, ung thư vú nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ có tỷ lệ sống lần lượt là 90 - 99% (Tạp chí Ung thư cho Bác sĩ Lâm sàng, 2020). 

u2-2-1698021296.jpg
Tầm soát phát hiện sớm một biện pháp trong cuộc chiến chống ung thư.

Có thể khẳng định rằng, trong cuộc chiến chống ung thư, lợi thế về mặt thời gian có ý nghĩa sống còn. Phát hiện càng sớm, hiệu quả điều trị và cơ hội sống của bệnh nhân càng cao. Muốn phát hiện sớm ung thư - căn bệnh vốn giỏi “ẩn mình” và có diễn tiến âm thầm, kéo dài nhiều năm thì tầm soát định kỳ chính là giải pháp hữu hiệu nhất. 

Khám tầm soát ung thư giúp phát hiện sớm nguy cơ, từ đó tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, với tâm lý sợ hãi “khám sẽ ra bệnh” hoặc chủ quan “chắc ung thư chừa mình ra” vẫn còn khá phổ biến ở người Việt khiến họ chưa mấy “mặn mà” với kiểm tra sức khỏe định kỳ. Họ chần chừ trước cửa bệnh viện/phòng khám mà không biết rằng đôi khi đó chính là cánh cửa thần kỳ lại mở ra cơ hội sống khỏe mạnh, an vui cho chính bản thân sau này. 

Lắng nghe cơ thể và khám sức khỏe định kỳ chính là bảng tổng kết khách quan nhất về các cột mốc sức khỏe, dự đoán trước một số yếu tố nguy cơ bệnh lý, phát hiện ra những bất thường của cơ thể khi chưa có biểu hiện ra bên ngoài hoặc chỉ biểu hiện với triệu chứng ít nghiêm trọng. Do đó, người bệnh có cơ hội điều trị khỏi bệnh sẽ cao hơn, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và hạn chế tối đa các biến chứng nguy hại do bệnh gây ra./.  

Minh Trang (t/h)