Đánh giá về nguồn cung tương lai của phân khúc văn phòng cho thuê, bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch, nhiều dự án đang bị ảnh hưởng tiến độ. Do đó, trong quý cuối của năm 2021, thị trường dự kiến sẽ không ghi nhận thêm dự án mới đi vào hoạt động.
Từ năm 2022 trở đi, thị trường sẽ có thêm hơn 200.000 m2 nguồn cung mới, trong đó riêng năm 2022 sẽ có hơn 110.000 m2, chủ yếu tập trung ở quận Đống Đa, Ba Đình và khu vực phía Tây. Nhưng đến năm 2023, Hà Nội sẽ có hơn 537.000 m2 từ 21 dự án gia nhập thị trường và hầu hết là từ văn phòng hạng B, chiếm tới 50% tổng nguồn cung mới.
Tại Hà Nội, phía Tây vẫn dẫn đầu về nguồn cung tương lai với khối lượng dẫn đầu khoảng 250.000 m2 - tương đương 47% thị phần. Theo sau là khu vực nội thành với 36%. Nguồn cung mới và cơ sở hạ tầng đang cải thiện sẽ đem lại lợi thế cho trục phía Tây thành phố. Tuy nhiên, sự gia tăng của nguồn cung và tâm lý thận trọng có thể khiến công suất thuê trung bình giảm trong hai năm tới - chuyên gia này cảnh báo.
Với thị trường Tp. Hồ Chí Minh, tổng nguồn cung dự kiến đến năm 2024 là hơn 430.500 m2 và khoảng 62% trong số đó nằm ở khu vực ngoài trung tâm. Trong 3 năm qua, nguồn cung hạng A tại Tp. Hồ Chí Minh khá khan hiếm nhưng dự kiến năm 2023 thị trường này sẽ có thêm 2 dự án mới cung cấp khoảng 155.000 m2 tổng diện tích sàn. Thị trường văn phòng tại đây cũng được dự báo sẽ dần hồi phục khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Còn theo số liệu thống kê của Công ty CBRE, trong quý cuối của năm 2021, thị trường Tp. Hồ Chí Minh dự định chào đón thêm 3 dự án hạng B với tổng diện tích cho thuê là 34.500 m2. Từ năm 2022 trở đi, thị trường Tp. Hồ Chí Minh sẽ có thêm hơn 300.000 m2 nguồn cung hạng A...
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam nhận xét, thị trường TP. Hồ Chí Minh vẫn đang hưởng lợi từ nguồn cung mới hạn chế và đang ghi nhận những dấu hiệu hồi phục chậm nhưng tích cực.
Đại dịch đang làm thay đổi xu hướng thuê mặt bằng của các khách thuê là công ty lớn, đa quốc gia. Chủ đầu tư những dự án văn phòng hạng A dự kiến hoàn thành trong 3 năm tới cần nghiên cứu để có chiến lược phát triển phù hợp, đầu tư nhiều hơn các tính năng, yếu tố tích hợp liên quan đến môi trường, sức khỏe và an toàn không gian làm việc để thị trường phát triển bền vững - bà Thanh phân tích.
Dưới một góc nhìn khác, đại diện của Công ty Savills dự báo, không gian văn phòng làm việc linh hoạt có thể sẽ trở thành xu thế mới trong tương lai. Đi kèm với sự gia tăng trong nhu cầu dành cho văn phòng truyền thống, số lượng không gian co-working space (mô hình văn phòng chia sẻ) cũng tăng cao. Việt Nam hiện là một trong 20 nước đứng đầu về số lượng nhà cung cấp dịch vụ này.
Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới các khách thuê về mặt tài chính. Vì vậy, họ sẽ tập trung hơn vào việc cắt giảm chi phí bằng cách chọn các không gian làm việc đem lại hiệu quả chi phí.
Ông Vũ Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn VNGroup, Chủ đầu tư chuỗi Tiktak Co-working Space cho biết, đến nay tỷ lệ lấp đầy của các cơ sở đạt khoảng 85%. Qua nghiên cứu, không gian làm việc chung co-working space là một trong những mô hình rất tiềm năng và nhu cầu của khách hàng ngày một lớn.
Dịch COVID-19 diễn ra trong gần 2 năm đã buộc các doanh nghiệp phải có định hướng chọn những giải pháp để cắt giảm chi phí hoạt động của văn phòng. Các văn phòng co-working space sẽ là mô hình phù hợp, giúp giảm chi phí đầu tư, có tính kết nối và chia sẻ rất lớn; đồng thời là không gian làm việc năng động để tạo ra năng lượng tích cực.
Trên thực tế, không gian làm việc co-working space cung cấp các gói thuê khác nhau với các điều khoản và quy mô linh hoạt so với các văn phòng truyền thống. Trong đợt dịch vừa qua, nhiều dịch vụ không thiết yếu đã phải đóng cửa và các doanh nghiệp đã phải làm việc tại nhà. Khi trở lại làm việc, các doanh nghiệp có thể sẽ cần những không gian làm việc linh hoạt hơn.
Mô hình văn phòng ảo, co-working space đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Dự báo trong 5 năm tới, sự chiếm ưu thế của phân khúc văn phòng sẽ không phụ thuộc vào văn phòng truyền thống mà ở văn phòng ảo, co-working space… Không gian làm việc chung co-working space là một trong những mô hình tiềm năng và nhu cầu ngày một lớn.
Các không gian làm việc mới, mô hình co-working space ra đời đang tạo ra môi trường làm việc năng động, sáng tạo, tiết kiệm chi phí, phù hợp với nhu cầu các start-up và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với nhu cầu làm việc càng linh hoạt, một số chuyên gia dự báo, trong tương lai đây có thể sẽ là thách thức đe dọa các văn phòng truyền thống.
Từ trước tới nay, toàn bộ thị trường văn phòng ở Việt Nam là truyền thống, nhưng trong khoảng 5 năm qua, văn phòng ảo, văn phòng chia sẻ... đã xuất hiện và trở thành một xu thế mới rất phát triển. Trên thị trường xuất hiện hàng loạt các thương hiệu cung cấp mô hình văn phòng mới này và nhanh chóng phát triển lớn mạnh, bắt nhịp với xu thế.
Theo ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và địa ốc Đất Xanh miền Bắc, mô hình văn phòng ảo, co-working space đang dần có đà thay thế với tốc độ phát triển mạnh mẽ. Dự báo trong 5 năm tới, sự chiếm ưu thế của phân khúc văn phòng sẽ không phụ thuộc vào văn phòng truyền thống mà nằm ở văn phòng ảo, co-working Space…
Đặc biệt trong thời gian gần đây đã xuất hiện mô hình mới officetel (nhà ở kết hợp văn phòng) cũng là một xu thế mới và đặc biệt phù hợp với xu hướng làm việc tại nhà trong bối cảnh dịch bệnh.
Hiện nay, các văn phòng cạnh tranh với nhau không chỉ bằng vị trí mà còn là thiết kế, trang thiết bị và tiện ích. Trong thời buổi công nghệ 4.0 và toàn cầu hóa, các trang thiết bị công nghệ, viễn thông, đường truyền, kết nối… đóng vai trò rất quan trọng trong thuê văn phòng./.