Quảng cáo #128

TP.HCM kêu gọi hợp tác quốc tế đào tạo nhân lực số, công nghệ số, hướng đến thành phố thông minh

TP.HCM đang đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu trở thành đô thị thông minh, hiện đại vào năm 2030. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ số hiện vẫn là bài toán nan giải. Chính vì vậy, TP.HCM đang kêu gọi sự hợp tác từ các tổ chức trong và ngoài nước để đào tạo "nhân lực số, công nghệ số" - lực lượng nòng cốt thúc đẩy thành công mục tiêu này.
ong-vo-van-hoan-1730778187.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo. Ảnh HCM Cityweb

Chiều 4/11, Hội thảo Quốc tế "Đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển đô thị thông minh: Kinh nghiệm quốc tế, tiềm năng hợp tác, giải pháp triển khai" do AUF và Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp tổ chức đã diễn ra. Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã khẳng định tầm quan trọng của nguồn nhân lực số trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế số, xã hội số, dẫn đầu về kinh tế dịch vụ, công nghiệp hiện đại, hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Theo ông Hoan, TP.HCM cần nguồn nhân lực mới - "nhân lực số, công nghệ số" để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, TP.HCM cũng cần phải hình thành được các yếu tố sản xuất mới như dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh: “Để thực hiện tầm nhìn này, TP.HCM phải nỗ lực phấn đấu để đạt mức tăng trưởng bình quân từ 8 - 8,5%/năm, GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; trong đó kinh tế số đóng góp 40% trở lên vào GRDP”.

TP.HCM đang nỗ lực dành nguồn lực cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết, thành phố đang dành 1,22% ngân sách chi cho chuyển đổi số, công nghệ thông tin, cao hơn mức tối thiểu 1% của cả nước.  Bên cạnh đó, thành phố cũng đang triển khai chính sách miễn giảm phí, lệ phí cho các dịch vụ công trực tuyến, thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng về công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Tuy nhiên, con đường đến với mục tiêu "đô thị thông minh" vẫn còn nhiều thách thức. Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi như AI, vi mạch, dữ liệu lớn… năng lực công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao.

dai-bieu-chup-hinh-luu-niem-1730778745.jpg
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo.

Để giải quyết bài toán này, TP.HCM đang kêu gọi sự hợp tác từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là từ các nước trong khối Pháp ngữ. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, trước tiên TP.HCM cần xác định rõ nhu cầu nhân lực của lĩnh vực này để có định hướng, chương trình đào tạo phù hợp.

Ông Slim Khalbous, Tổng Giám đốc AUF, cho rằng cần nguồn lực tổng hợp từ nhiều bên, cả chính quyền, các trường đại học, doanh nghiệp và đối tác quốc tế. Đánh giá của các chuyên gia AUF trong Báo cáo tư vấn về định hướng đào tạo nhân lực cho đô thị thông minh cho thấy có nhiều tiềm năng trong việc phát triển các chương trình, dự án hợp tác giữa cộng đồng Pháp ngữ khoa học.

Hội thảo cũng đã đưa ra giải pháp đào tạo ngắn hạn (tập trung cho đối tượng cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp) và đào tạo dài hạn (các bậc đào tạo trong giáo dục đại học).

Đặc biệt, ở cấp độ đại học, cần cấp thiết đào tạo lực lượng giảng viên tương lai; xác định các đối tác đại học nước ngoài có thể phát triển chương trình, dự án hợp tác, trong đó có khối Pháp ngữ; xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ. Còn ở cấp độ thành phố, cần tập trung đào tạo cán bộ quản lý và có kế hoạch đào tạo các chủ đề ưu tiên cho đội ngũ này./.

Lê Thu