Chị Minh Thy, cư ngụ tại quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, năm nay gia đình không về quê nên có nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng đủ trong nhiều ngày. Bên cạnh đó, vì đón Tết tại Tp. Hồ Chí Minh nên gia đình cũng mua sắm nhiều sản phẩm bánh, kẹo, mứt; cũng như vệ sinh nhà cửa, trang trí Tết.
Tương tự, anh Anh Đức, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, gia đình vừa mua sắm Tết tại Co.opXtra Phạm Văn Đồng, thành phố Thủ Đức, với tổng đơn hàng hơn 5 triệu đồng; trong đó, chủ yếu là những mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn uống như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, nước giải khát, mứt Tết và trái cây các loại....
Ghi nhận ý kiến nhiều người dân trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, mặc dù hôm nay nhiều cơ quan, công ty... vẫn còn lịch làm việc, nhưng nhiều người dân tranh thủ giờ nghỉ trưa và tan làm để mua sắm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ngoài đến mua trực tiếp tại điểm bán lẻ, không ít người dân lựa chọn kênh mua sắm trực tuyến (online) qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội...
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm Tết và chia sẻ khó khăn về kinh tế, nhiều nhà bán lẻ liên tục chạy luân phiên chương trình khuyến mãi, giảm giá... Hơn thế nữa, những chương trình này đều tập trung áp dụng cho hàng nghìn mặt hàng thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và thời vụ Tết.
Khảo sát thực tế tại nhiều hệ thống bán lẻ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như Saigon Co.op, Satra, LOTTE Mart, Big C, Aoen Mall... không khí kinh doanh trong những ngày này diễn ra nhộn nhịp. Đặc biệt, biển giảm giá lên 50%, mua 1 tặng 1, mua sản phẩm thứ 2 với giá sốc... được gắn trên nhiều quầy, kệ để thu hút khách hàng.
Đối với những mặt hàng được dự đoán có sức mua tăng mạnh trong dịp Tết đến Xuân về, đều được các nhà bán lẻ dành khu vực riêng để người dân dễ dàng tìm kiếm và mua sắm. Cụ thể, người dân mua sắm mặt hàng trái cây chưng Tết có thể thả sức lựa chọn mặt hàng dưa hấu đỏ, mãng cầu, dừa, thanh long, bưởi da xanh, quyết đường... tại khu vực riêng và tách biệt với những mặt hàng trái cây kinh doanh phổ biến hàng ngày.
Còn khu vực trưng bày kinh doanh bánh, kẹo, mứt, nước giải khát... được các nhà bán lẻ thiết kế ngay lối đi vào điểm bán, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiết kiệm thời gian mua sắm Tết. Hay khu vực kinh doanh hoa tươi cắt cành, cây cảnh... cũng được mở rộng diện tích để khách có không gian mua sắm giãn cách, đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Theo đại diện các nhà bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh, vào thời điểm này sức mua tăng ở hầu hết nhóm ngành hàng, tuy nhiên tăng mạnh nhất có thể kể đến sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm; trái cây các loại; bánh, kẹo, mứt... Bên cạnh đó, một số mặt hàng rau củ, quả; thực phẩm chế biến hoặc sơ chế sẵn... cũng đang có sức mua tăng dần trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart, tình hình sức mua thị trường Tết Nguyên đán năm nay tăng chậm và tăng trễ so với những năm trước. Do đó, Saigon Co.op đang phối hợp với nhà cung cấp tiếp tục tập trung thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá luân phiên, cũng như tăng thêm nhiều quyền lợi cho khách hàng.
"Thống kê thực tế tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op, hai nhóm hàng hóa có sức mua bật tăng mạnh là nhóm trái cây nội địa và nhóm thực phẩm bổ dưỡng, mứt Tết với mức tăng hơn 50% so với thời điểm đầu tháng 1/2022. Dự báo những ngày sắp tới, người dân sẽ ưu tiên mua sắm thực phẩm nên hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra đang chạy liên tụcgiảm giá mạnh từ 20%-50% cho khoảng 100 mặt hàng, gồm: thực phẩm tươi sống, thực phẩm trữ mát, thực phẩm sơ chế tiện lợi; bánh, mứt tết...", ông Nguyễn Ngọc Thắng chia sẻ thêm.
Không kém phần cạnh tranh, tại mạng lưới chợ truyền thống, tiểu thương, thương nhân cũng không ngừng tăng nguồn cung hàng hóa tiêu dùng Tết ra thị trường để phục vụ nhu cầu mua sắm của ngường tiêu dùng. Mặt khác, tiểu thương, thương nhân cũng dự báo nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết tại Tp. Hồ Chí Minh rất dồi dào và nhiều đơn vị còn tăng số lượng hàng hóa nhập chợ, cũng như có kế hoạch dự trữ đảm bảo cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, tiểu thương, thương nhân ngành hàng rau củ quả, trái cây tại chợ đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa ở hệ thống kho lạnh, xe container lạnh... có thể cung ứng hơn 1.500 tấn để kịp thời bổ sung nguồn hàng tại chợ. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chợ Hóc Môn cũng mở thêm nhiều quầy, sạp kinh doanh đa dạng mặt hàng trái cây để đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Huây, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức dự báo, từ nay đến 28 tháng chạp, lượng hàng nhập chợ này sẽ tăng dần; trong đó, lượng rau có thể dao động từ 1.600-2.000 tấn/ngày, trái cây dao động từ 2.000-2.600 tấn/ngày và vào thời gian cao điểm ngày 27 tháng chạp có thể tăng lên mức 5.000-5.500 tấn/ngày.
Liên quan đến một số ngành hàng phổ biến có sức mua cao trong dịp Tết Nguyên đán, đại diện các chợ đầu mối cũng dự báo thị trường; trong đó, mặt hàng thịt lợn tại chợ đầu mối Hóc Môn nhập chợ khoảng 5.000 con/ngày; chợ đầu mối Bình Điền là hơn 2.000 con/ngày. Giá lợn hơi không thay đổi, nhưng giá lợn mảnh tại các chợ đầu mối đã tăng khoảng 10.000 đồng/kg, lên 65.000-75.000 đồng/kg. Dự báo từ nay đến Tết có thể tăng thêm từ 2.000-5.000 đồng/kg./.