Tìm giải pháp xúc tiến xuất khẩu hiệu quả

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế; trong đó, có xuất khẩu nói chung và các hoạt động xúc tiến xuất khẩu nói riêng do tác động nặng nề của dịch COVID-19.

Trước bối cảnh hết sức khó khăn đó, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xúc tiến thương mại đã chuyển đổi mạnh mẽ, giúp duy trì sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất-nhập khẩu đạt được trong năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 15/12 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm đưa ra nhận định các cơ hội thị trường, giải pháp xúc tiến xuất khẩu hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, duy trì và phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh bình thường mới.

*Đổi mới về phương thức

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu bền vững cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã triển khai hiệu quả các Chương trình hành động, ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; trong đó, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp quan trọng.

Cũng chính nhờ sự đổi mới về phương thức cũng như ban hành kịp thời cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình dựa trên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nên các hoạt động xúc tiến thương mại được duy trì triển khai mạnh mẽ, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

ava-1639556370.jpeg
Ảnh minh hoạ

Tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu năm 2021 ước đạt khoảng 660,1 tỷ USD tăng 21% so với năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 329 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020. Cán cân thương mại năm 2021 ước xuất siêu là khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra rằng, hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn nhiều khoảng trống đòi hỏi phải nỗ lực hơn để nâng cao hiệu quả nhằm duy trì và phát triển xuất - nhập khẩu bền vững dựa trên các kế hoạch xúc tiến thương mại trung hạn có tính căn cơ.

Báo cáo tại diễn đàn, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay, trong bối cảnh hoạt động xúc tiến thương mại bị gián đoạn do dịch COVID-19, đòi hỏi tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua môi trường số, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu, đánh giá thực tiễn ban hành cơ chế chính sách và trình lãnh đạo các cấp ban hành cơ chế chính sách, đề án thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước, các hiệp hội ngành hàng rà soát tình hình sản xuất hàng hóa tại địa phương, nhu cầu xúc tiến tiêu thụ.

Đồng thời, thông qua hệ thống Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài cập nhật nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước trên thế giới. Từ đó, kịp thời cung cấp thông tin hai chiều tới các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung ứng, doanh nghiệp xuất khẩu, hệ thống phân phối, tổ chức xúc tiến thương mại, các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Ngoài ra, Bộ Công Thương chỉ đạo Thương vụ chủ động đánh giá thực tiễn và bám sát biến động của thị trường trong hoạt động thương mại quốc tế nói chung và thương mại với Việt Nam nói riêng, nhất là các yếu tố mới phát sinh để đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.

Đặc biệt, Bộ đang triển khai chuỗi chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường xuất - nhập khẩu. Đây là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin; tạo cơ hội giá trị để các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp chia sẻ thông tin, xác định được hướng đi và biện pháp thâm nhập, phát triển hiệu quả các thị trường xuất nhập khẩu.

*Tạo thế chủ động

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Bartosz Cieleszynsky-Bí thư thứ nhất kiêm Phó Ban thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, mặc dù phải đối mặt với dịch COVID-19 khiến chi phí vận chuyển tăng cao, thiếu nhân công nghiêm trọng, gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu thu hẹp do chi tiêu hợp lý của người tiêu dùng…nhưng Hiệp định Thương mại Việt Nam châu Âu (EVFTA) sau 1 năm thực thi đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, ở mức gần 20% so với cùng kỳ năm 2020.

“Số hóa đã trở thành một xu hướng phổ biến đối với xuất khẩu và xúc tiến bán hàng. Vì vậy, dù COVID-19 đặt ra thách thức chưa từng có đối với các hoạt động thương mại truyền thống, nhưng cũng mang lại những cơ hội lớn”, ông Bartosz Cieleszynsky nhấn mạnh.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, ông Thân Đức Việt-Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 bày tỏ, các sự kiện tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường xuất nhập khẩu với khoảng 2.000 doanh nghiệp tham gia là một trong các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại rất hiệu quả do Bộ Công Thương tổ chức đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch COVID- 19 n diễn biến phức tạp và ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến xúc tiến thương mại bằng con đường trực tiếp. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn xúc tiến thương mại được thực hiện trên nền tảng của thương mại điện tử, trực tuyến, chuyển đối số. Đó sẽ là những giải pháp phù hợp để kích hoạt, nối lại và phát triển chuỗi cung ứng.

Thông qua xúc tiến thương mại, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ đưa sản phẩm thương hiệu Việt Nam ra với thế giới thông qua việc tìm kiếm các đối tác hợp tác; tiếp cận với các khách hàng trực tiếp, thay vì thông qua công ty trung gian.

Doanh nghiệp cũng kỳ vọng được chia sẻ nhiều hơn thông tin về thị trường với các doanh nghiệp trong nước theo nhóm ngành nghề; thông tin về thuế quan của các đối tác cạnh tranh và so sánh với Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước kịp thời điều chỉnh khi giao dịch với khách hàng.

Để tận dụng các cơ hội từ sự phục hồi các thị trường xuất khẩu sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, ông Vũ Bá Phú cho hay, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đánh giá thực tiễn, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách, định hướng hoạt động xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động xúc tiến nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào, xúc tiến nhập khẩu, chuyển giao công nghệ cao phục vụ khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phục vụ xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương.

Đặc biệt, Bộ chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn đối với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn; phối hợp, lồng ghép hoạt động xúc tiến xuất khẩu ở trung ương với địa phương và với xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu ngành hàng./.