Thủ tướng ra công điện yêu cầu chủ động phòng chống rét đậm, rét hại kéo dài

Đây là dợt rét đậm, rét hại nhất kể từ đầu mùa đông ở miền Bắc. Tại các huyện vùng cao, người dân không chỉ lo phòng chống rét cho học sinh mà còn gồng mình chống đói và rét cho đàn gia súc. Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện yêu cầu chủ động các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại kéo dài.
chong-ret-gia-suc-06-1706058932.jpg
Hiện tượng băng giá trên đỉnh Mẫu Sơn ngày 23/1 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Thủ tướng ra công điện phòng chống rét hại kéo dài

Trước tình trạng rét đậm rét hại, ngày 23/1/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 08/CĐ-TTg về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.

Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Công điện nêu: Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, toàn miền Bắc đã xảy ra rét hại, vùng núi cao xuất hiện băng giá, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sản xuất nông nghiệp.

chong-ret-gia-suc-05-1706058915.jpg
Đây là dợt rét đậm, rét hại nhất kể từ đầu mùa đông ở miền Bắc.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, đây là đợt không khí lạnh có cường độ mạnh nhất mùa Đông năm 2023-2024. Trong đợt rét này, ở Bắc Bộ nhiệt độ có khả năng thấp nhất từ 3-6 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ; khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến từ 9-11 độ; khu vực Trung Trung Bộ từ 12-15 độ. Ngoài ra, các vùng biển trên khu vực Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, có nơi cấp 8, giật cấp 9; biển động mạnh. Tình trạng biển động còn kéo dài trong nhiều ngày.

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.

Người đứng đầu yêu cầu chủ tịch các tỉnh, thành chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp phòng, chống rét và diễn biến thời tiết khắc nghiệt, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân, nhất là người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế…

Các địa phương cũng cần triển khai đồng bộ biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, lãnh đạo các tỉnh thành cần chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến thời tiết và thông báo, hướng dẫn nhân dân biết.

Việc này nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm an toàn cho người, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng.

Bộ Y tế phối hợp với cơ quan truyền thông phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín.

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại để cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông truyền tải đến người dân.

Chủ động bảo vệ sinh kế cho người dân vùng cao

Rút kinh nghiệm từ những đợt rét đậm, rét hại những năm trước, bước vào mùa đông năm nay, gia đình ông Giàng Nỏ Chua ở thôn Tấu Dưới (Xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) đã chủ động nhiều biện pháp để bảo vệ gia súc của gia đình mình.

"Hôm nay, nhiệt độ xuống dưới 5 độ C, cán bộ khuyến nông của xã đến hướng dẫn các hộ chăn nuôi trong thôn áp dụng các biện pháp giữ ấm cho đàn trâu, bò, đồng thời bổ sung khoáng nước ấm và muối, chất ăn tinh vitamin; đốt lửa sưởi ấm cho đàn trâu, bò. Đến nay, 10 con trâu, bò của gia đình vẫn khỏe mạnh bình thường”, ông Giàng Nỏ Chua cho biết.

chong-ret-gia-suc-01-1706058999.jpg
Trâu bò được người dân vùng cao Yên Bái đốt củi sưởi ấm. (Ảnh:TTXVN)

Ông Sùng A Dê ở thôn Km14 + 17 (xã Trạm Tấu) chia sẻ. "Gia đình tôi có 6 con trâu. Trước đây, cứ đến mùa đông giá rét tôi lo lắm. Còn bây giờ, khi nhiệt độ xuống thấp, rét đậm, rét hại thì tôi cho trâu về chuồng, che kín chuồng trại và dự trữ thức ăn, bổ sung nước ấm cùng với muối cho trâu uống hàng ngày nên không có hiện tượng trâu chết vì đói, rét nữa”.

Xã Trạm Tấu hiện có trên 3.000 con trâu, bò. Ngoài việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, kế hoạch của UBND huyện, xã đã chủ động lên kế hoạch phòng, chống đói rét cho đàn trâu, bò và các vật nuôi khác.

Ông Lò Văn Chiến - Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) cho biết. "Trước khi bước vào mùa đông năm nay, xã đã họp, phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ phụ trách thôn, bản rà soát, nắm bắt tình hình nhằm tuyên truyền cho đồng bào nhận thức việc chủ động trong công tác phòng, chống đói rét cho trâu, bò trong mùa đông, nhất là các đợt rét đậm, rét hại có thể xảy ra trên diện rộng.

Nhờ vậy, các hộ nuôi trâu, bò đã chủ động được các nguồn thức ăn dự trữ với hàng trăm cây rơm, trồng mới nhiều ha cỏ; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đạt trên 92%”.

chong-ret-gia-suc-04-1706059032.jpg
Tăng cường cỏ tươi cho trâu trong những ngày rét đậm, rét hại nhằm chống chọi với giá rét. (Ảnh: TTXVN)

Tại tỉnh Lai Châu, ngày từ khi bước vào mùa Đông, công tác chuẩn bị phòng chống giá rét đã được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ người dân. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 118.350 con trâu, bò (trong đó trâu là 92.760 con, đàn bò 25.590 con), khoảng 235.000 con lợn và đàn gia cầm là 1.809 nghìn con.

Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, ngay từ đầu vụ Đông xuân 2023-2024 Chi cục Chăn nuôi Thú y đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra thực tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài./.

Bình Châu