Giá thanh long tăng vọt giữa cao điểm khô hạn
Hiện nay, nhiều vườn cây thanh long ở tỉnh Tiền Giang cho thu hoạch vụ nghịch bán được giá rất cao. Ngày 14/4, nhà vựa tại huyện Chợ Gạo thu mua trái thanh long loại 1 giá trên 40.000 đồng/kg, loại 2 giá 35.000 - 38.000 đồng/kg, loại 3 từ 30.000 – 33.000 đồng/kg, tăng hơn tháng trước từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.
Với mức giá này, mỗi kg trái thanh long, nhà vườn thu lãi gần 20.000. Giá thanh long tăng vọt do hiện nay nắng hạn sản lượng trái giảm, trong khi đó nhu cầu xuất khẩu tăng cao.
Toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 10.000 ha cây thanh long, trồng tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước. Đây là loại cây có khả năng chống chịu với hạn mặn cao, vào mùa nắng ít sâu bệnh.
Dù nguồn nước ngọt mùa khô tại nhiều khu vực bị hạn chế, nhưng các nhà vườn đã chủ động khâu bơm tát nên vườn cây thanh long vẫn tốt tươi, cho năng suất cao. Hiện tại vào vụ nghịch có khoảng 20% vườn cây đang cho thu hoạch.
Ông Lê Văn Lập, nông dân trồng cây thanh long tại xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo chia sẻ, thanh long hiện đang có giá, với thanh long loại 3, nhà kho thu mua giá 33.000 đồng/kg sau sụt xuống 31.000 đồng/kg. Giá thanh long loại 2 giá 38.000 đồng/kg, loại 1 giá 43.000 đồng/kg, mỗi loại cách nhau 5.000 đồng/kg.
“Với giá này nhà vườn lãi nhiều nhưng do thanh long nghịch vụ nên sản lượng trái thấp. May mắn là vườn nhà gần sông lớn nên có nước ngọt bình thường. Những vườn khác phải bơm chuyền lấy nước tưới rất cực, họ cũng không dám xông đèn vì nguồn nước hạn chế. Thanh long chính vụ giờ này mới ra bông, mưa xuống mới rộ", ông Lập cho hay.
Nâng chất những vùng thanh long đạt chuẩn xuất khẩu
Huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh trồng thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Theo nhà vườn, giá thanh long tăng cao vì thị trường Trung Quốc bắt đầu hút hàng trở lại. Xác định thanh long là một trong những chủng loại trái cây đặc sản, có lợi thế cạnh tranh của địa phương và mang lại giá trị xuất khẩu cao, đến nay, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu gần 8.600ha tập trung ở các huyện của tỉnh như Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Ðông… Sản lượng thanh long thu hoạch hàng năm gần 272.000 tấn.
Hướng đến mục tiêu sản xuất trái thanh long đạt chuẩn xuất khẩu, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được trên 2.306ha thanh long đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó, có 2.196ha đạt chứng nhận VietGAP cùng 110ha đạt chứng nhận Global GAP. Tỉnh đang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 3.600ha diện tích thanh long đạt tiêu chí GAP. Tiền Giang đã có 80 mã số vùng trồng thanh long cùng diện tích hơn 6.140ha, cấp xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia... Ðây được coi là "giấy thông hành" quan trọng để thanh long Tiền Giang có thể thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường khó tính trên khắp thế giới.
Tỉnh Tiền Giang đang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 3.600ha diện tích thanh long đạt tiêu chí GAP. Diện tích thu hoạch đến năm 2025 là 7.900ha, sản lượng trên 235.000 tấn trái. Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, để phát triển bền vững vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu, việc phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho sản phẩm trái thanh long là vấn đề cấp thiết.
Ðể nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức các diễn đàn khoa học, chuyển giao kỹ thuật thâm canh thanh long cho nông dân vùng chuyên canh theo hướng GAP (VietGAP, Global GAP) gắn với phát triển kinh tế hợp tác.
Ðến nay, tỉnh Tiền Giang đã thành lập được 11 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long. Các hợp tác xã đang đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ và xúc tiến thương mại cho trái thanh long góp phần đảm bảo xuất khẩu chính ngạch trái thanh long của tỉnh Tiền Giang sang nhiều thị trường nước ngoài khó tính, góp phần đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thanh long đến năm 2025 đạt 150 triệu USD, gấp 1,5 lần hiện nay, chưa kể xuất tiểu ngạch.
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang, hạn mặn còn ở mức cao trong tháng 4 và đến giữa tháng 5 mới vào mùa mưa. Do đó, chính quyền và người dân trồng cây thanh long tiếp tục triển khai kế hoạch ứng phó với thiên tai bằng cách tích trữ nước ngọt, bơm chuyền các đầu kênh sườn và áp dụng các biện pháp phun tưới nước tiết kiệm, không để cây thanh long bị suy kiệt do thiếu nước ngọt. Với các giải pháp chống khô hạn, xâm nhập mặn khẩn trương, quyết liệt đã đem lại màu xanh trên vườn thanh long giúp nhà vườn Tiền Giang bội thu./.