Tăng cơ hội mua nhà cho người thu nhập thấp

Nhằm tạo cơ chế thông thoáng hơn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở đô thị, Bộ Xây dựng vừa có đề xuất bỏ điều kiện về cư trú, điều kiện về thu nhập được nâng cao hơn so với hiện hành.
nhaoxahoi-1695644156.jpg
Người thu nhập thấp có thêm cơ hội mua được nhà. Ảnh minh họa

Mới đây, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do bộ này chủ trì soạn thảo đã được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp 6 sắp tới. Dự thảo luật có 8 nhóm chính sách, trong đó có nhóm chính sách quan trọng về nhà ở xã hội.

Khi xét về điều kiện đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội, Luật Nhà ở hiện hành quy định 3 tiêu chí gồm cư trú (có hộ khẩu hoặc có đăng ký tạm trú tại nơi có dự án nhà ở xã hội), thu nhập (ở mức dưới mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân), diện tích nhà ở (chưa sở hữu nhà ở, hoặc có những diện tích dưới 10 m2/người).

Tại dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, bộ phận soạn thảo đề xuất bỏ yêu cầu về cư trú, bởi đã là công dân Việt Nam thì được quyền mua nếu đủ điều kiện về thu nhập, nhà ở. Tiêu chí về mức thu nhập cũng sẽ được nâng cao. Ngoài ra, diện tích nhà ở bình quân sẽ giao cho Chính phủ xem xét nâng lên 15 m2/người, thay vì giới hạn trước đây là 10 m2/người, tùy theo tình hình và thời kỳ cụ thể.

Ngoài ra, khắc phục bất cập về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Khi lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt...

Trên thực tế, nhu cầu mua nhà ở xã hội của người dân hiện rất lớn. Tuy nhiên, thị trường đang nơi thừa, nơi thiếu. Nơi thiếu là các thành phố lớn, do đất chật người đông. Nơi thừa là tại một số tỉnh thành phát triển mạnh khu công nghiệp, có dự án nhà ở xã hội, nhưng người dân chưa tiếp cận được do các yêu cầu khắt khe. Do đó, các chuyên gia cho rằng, trong lần sửa đổi Luật Nhà ở lần này, việc nới lỏng các tiêu chí sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở đô thị.

Đông Nghi