Theo báo cáo của UBND tỉnh, ngay sau khi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới được ban hành, UBND tỉnh đã giao các đơn vị liên quan tham mưu BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động số 22/CTr-TU thực hiện Nghị quyết trên. UBND tỉnh cũng đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 09/NQ-CP ngày 2/2/2023 của Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành tập trung triển khai các nội dung chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025 của tỉnh theo các chương trình mục tiêu quốc gia và Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến hết năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành xây dựng NTM, với 98/98 xã đạt chuẩn NTM; 54/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 26/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13/13 địa phương cấp huyện hoàn thành NTM; 2/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn tỉnh đã có 565 sản phẩm thuộc 5 nhóm tham gia chương trình OCOP. Kết quả đó có vai trò quan trọng của khu vực Kinh tế tập thể, HTX. Toàn tỉnh hiện có 210 tổ hợp tác; 665 HTX và 3 Liên hiệp HTX. Khu vực kinh tế này đã đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn; góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương, ban, ngành cũng đã phát biểu ý kiến về những cách làm hay, sáng tạo, kết quả, và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đổi mới kinh tế tập thể tại địa phương. Các đại biểu trong Đoàn công tác của Liên minh HTX Việt Nam cũng đã chỉ ra những điểm còn hạn chế sau khi đi thực tế tham quan một số mô hình HTX trên địa bàn tỉnh, cũng như trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay để phát triển kinh tế tập thể.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Quảng Ninh trong phát triển kinh tế tập thể, HTX trong những năm vừa qua, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh: Sự phát triển của khu vực kinh tế này cho thấy Quảng Ninh đã dành sự quan tâm sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương một cách kịp thời, đầy đủ, bài bản. Quảng Ninh đang thuộc top 10 toàn quốc về số lượng HTX, tổ hợp tác, với tốc độ nhanh, bền vững, khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cho thấy nhu cầu thực tiễn, thực chất, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-TW.
Đồng chí khẳng định Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác của Quảng Ninh nói riêng cũng như cả nước nói chung có điều kiện để kết nối cùng phát triển.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu những ý kiến, ý tưởng, đề xuất cụ thể của Liên minh HTX Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh: Quảng Ninh những năm gần đây liên tiếp đạt tăng trưởng 2 con số; thu nhập bình quân đầu người hết năm 2022 đạt 8.200 USD, cao gấp đôi so với cả nước. Từ thực tiễn phát triển, Quảng Ninh cũng đưa ra tiêu chí chuẩn nghèo mới, cao thứ 2 toàn quốc sau TP Hồ Chí Minh. Quảng Ninh có trên 20.000 doanh nghiệp, nhưng có đến 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Năm 2023, với quyết tâm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, do đó, phát triển kinh tế tập thể, HTX cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá. Tỉnh cũng đang chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó phát triển kinh tế số, đây là một thách thức không hề nhỏ, cần sự tham gia tích cực hơn nữa của khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh. Trước đó, Đoàn công tác Liên minh HTX Việt Nam cũng đã đi tham quan, tìm hiểu thực tế tại một số HTX trên địa bàn tỉnh./.