Tổng số vốn kế hoạch của các dự án do Tổ công tác số 2 theo dõi là hơn 1.192 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/7/2003, Tổ công tác số 2 đã giải ngân hơn 373 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 31%. Có một số dự án có tỷ lệ giải ngân đạt như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đạt tỷ lệ 100%; Trung tâm Kỹ thuật đo lường thử nghiệm đạt tỷ lệ 100%; Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn đạt tỷ lệ trên 98%.
Tuy nhiên, nhiều dự án chưa giải ngân hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh. Tính đến ngày 30/6/2023, có 25/91 dự án chưa triển khai thi công.
Hiện tổ công tác số 2 theo dõi 91 dự án, trong đó có 80 dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh, gồm: 33 dự án chuyển tiếp, 47 dự án khởi công mới năm 2023. Hiện, có 08 dự án chuyển tiếp sử dụng nguồn vốn đầu tư công ngân sách Trung ương, trong đó 02 dự án khởi công mới năm 2023 sử dụng nguồn vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn đối với các dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và đội vốn đầu tư khi thực hiện quy định mới về phòng cháy, chữa cháy; các dự án đã được phê duyệt, việc bổ sung thêm các hạng mục làm thay đổi về quy mô, tổng thể mức đầu tư. Ngoài ra, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế làm tỷ lệ giải ngân thấp do nhiều dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, chưa triển khai thi công; một số dự án chưa triển khai thi công đang nằm trong các khâu lập dự án, thẩm định báo cáo, thiết kế, lựa chọn nhà thầu xây lắp, thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Ông Hồ An Phong (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình) đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, chủ động xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp, tránh tình trạng chậm trễ trong thời gian triển khai dự án; tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, hạn chế việc chậm trễ bị cắt vốn; đối với những dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ cần rà soát, tổng hợp và đề xuất các phương án xử lý phù hợp nhằm đảm bảo tiến độ thi công; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án đã thẩm định để trình phê duyệt theo quy định, đặc biệt là dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương.
Ngoài ra, tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tìm kiếm nguồn vốn bổ sung và thực hiện các thủ tục để báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án bị đội vốn do thực hiện theo quy định mới; đồng thời theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí./.