Nông dân sẽ lợi hơn nếu khách ngoại chưa mua, chờ Việt Nam vào vụ thu hoạch tiêu

Giá hạt tiêu tại thị trường nội địa giảm do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc đều chậm lại, trong bối cảnh đồng USD và lạm phát cao. Tuy nhiên, do đã qua mùa thu hoạch lượng hạt tiêu trong dân không còn nhiều nên mức giảm giá không lớn.
tieu-1697622401.jpg
Trong 2 tháng cuối năm nay, nhiều khả năng nhập khẩu hạt tiêu của các thị trường tiếp tục giảm do nhu cầu thấp - Ảnh minh họa.

Nhập khẩu hạt tiêu tiếp tục suy giảm vào các tháng cuối năm do nhu cầu thấp

Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, dù có những thông tin tích cực về vụ thu hoạch hạt tiêu của các nước Indonesia và Brazil, nhưng hầu hết các nước đều ghi nhận mức xuất khẩu giảm do nhu cầu thị trường thế giới thấp, các nhà nhập khẩu gần như đã mua đủ lượng hàng tại thời điểm hiện tại.

Trong 2 tháng cuối năm nay, nhiều khả năng nhập khẩu hạt tiêu của các thị trường tiếp tục giảm do nhu cầu thấp, suy thoái kinh tế và lạm phát vẫn duy trì ở mức cao. Song, thị trường vẫn xuất hiện thông tin khá tích cực là tại Ấn Độ, giá hạt tiêu nội địa của nước này có thể sẽ tăng khi thị trường bước vào mùa lễ hội – mùa cao điểm tiêu thụ hạt tiêu.

Dẫn thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), ông Lê Việt Anh, Chánh văn phòng VPA cho biết, trong tháng 9/2023 Việt Nam xuất khẩu 16.630 tấn hạt tiêu các loại, tiêu đen đạt 14.832 tấn, tiêu trắng đạt 1.798 tấn, trị giá 62,0 triệu USD. Lũy kế, 9 tháng đầu năm xuất khẩu 204.385 tấn tiêu các loại, đạt giá trị 678,1 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 183.475 tấn với 578,2 triệu USD; tiêu trắng đạt 20.910 tấn, trị giá 99,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 15,3% về lượng, nhưng kim ngạch giảm 13,4%.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 9 tháng đầu năm đạt 3.539 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.068 USD/tấn, giảm 15,3% đối với tiêu đen và 14,2% đối với tiêu trắng so với cùng kỳ 2022.

Trong tháng 9, Công ty Cổ phần Phúc Sinh vươn lên trở thành doanh nghiệp xuất khẩu tiêu đứng đầu đạt 1.389 tấn, tăng 28,1% so với tháng trước và chiếm 8,4% thị phần xuất khẩu tiêu Việt Nam. Tiếp theo là các công ty, như: Olam Việt Nam: 1.332 tấn, Nedspice Việt Nam: 1.313 tấn, Trân Châu: 1.030 tấn...

Hầu hết 10 thị trường xuất khẩu chính đều giảm cả lượng lẫn trị giá

Top 10 thị trường xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu trong 9 tháng qua, lần lượt là: Hoa Kỳ, Ấn Độ, các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Đức, Hà Lan, Philippines, Nga, Thái Lan, Hàn Quốc và Anh Quốc.

Xuất khẩu tiêu sang hầu hết thị trường này đều giảm, mức giảm về sản lượng thấp nhất 1,3% ở Thái Lan nhưng giảm đến 14,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, thị trường có mức giảm cao nhất là Các tiểu vương quốc Á Rập Thống nhất giảm đến 25,4% về lượng, và giảm 40,7% về giá trị so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu tiêu sang Philippines tăng 19,9% về lượng và tăng trị giá 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong top 10 thị trường xuất khẩu hạt tiêu chủ lực của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay, tuy khối lượng và kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang thị trường thị trường Hàn Quốc giảm đến 27,9% về lượng và giảm đến 35,2% về giá trị (do giá hạt tiêu trên thị trường xuất khẩu giảm mạnh). Nhưng theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế, trong 8 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc nhập khẩu hạt tiêu chủ yếu từ Việt Nam, lượng đạt xấp xỉ 2,97 ngàn tấn, trị giá 13,33 triệu USD, giảm 44,6% về lượng và giảm 46,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 89,51% trong 8 tháng đầu năm 2022 lên 91,01% trong 8 tháng đầu năm 2023. Ngược lại, Hàn Quốc tăng nhập khẩu hạt tiêu từ các thị trường Campuchia và Ấn Độ, mặc dù vậy, lượng nhập khẩu từ các thị trường trên vẫn ở mức thấp.

Sản lượng hạt tiêu năm 2024 dự kiến vào khoảng 150 – 160 ngàn tấn. Nếu như những năm trước, nông dân chủ yếu trồng thuần tiêu, khi vào vụ thu hoạch cần phải bán ngay 50% sản lượng (tương đương khoảng 80 ngàn tấn), để chi trả công hái và thanh toán nợ nần. Nhưng hiện nay có hơn một nửa diện tích hồ tiêu đã được nông dân trồng xen với nhiều cây trồng khác, như sầu riêng, cà phê … và đang cho thu nhập khá tốt, nên dự kiến nông dân chỉ bán ra khoảng 30% tổng sản lượng vụ mùa (tương đương 50 ngàn tấn).

Tổng lượng hàng bán ra thị trường trong 4 tháng đầu năm 2024 vào khoảng 50 ngàn tấn, khi đó thị trường có 2 khả năng:

Một là nguồn cung hiện tại không dồi dào nhưng hàng tồn kho của khách ngoại vẫn chưa cạn nên sự giằng co vẫn tiếp tục diễn ra, nếu khách ngoại mua từ bây giờ thì giá sẽ tăng dần cho đến khi vào vụ.

Hai là, nếu khách ngoại chưa mua cho đến khi Việt Nam vào vụ thu hoạch, giá tiêu sẽ tăng mạnh ngay giữa thời điểm thu hoạch là có lợi cho người nông dân hơn.

Nguyễn Huyền