Nỗi niềm chuyện rượu, bia ngày tết

Tết đến, xuân về, việc nâng ly rượu, cốc bia chúc nhau những điều tốt đẹp nhất đã trở thành văn hóa ở nước ta, tuy nhiên sự lạm dụng, biến tướng của nét đẹp văn hóa này đã và đang gây ra những tác hại khôn lường cho xã hội.
1222con-1643686529.jpg
Ảnh minh họa

Tết Canh Tý này, việc Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 đã đem lại sự thay đổi lớn về nhận thức trong nhân dân về những tác hại do rượu, bia gây ra.

Chúng tôi về huyện Tĩnh Gia những ngày cuối năm Kỷ Hợi, gặp chị Phạm Thị L., người đang chuẩn bị làm giỗ đầu cho chồng mình. Cách đây vừa tròn 1 năm, sau một cuộc liên hoan tất niên cơ quan, chồng chị L. do uống quá chén dẫn đến say xỉn, đã không may bị tai nạn giao thông và tử vong khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán.

Khi nhận được thi thể của chồng, vẫn còn nồng nặc mùi rượu, bia. Qua chia sẻ của chị L., năm nào cũng vậy, cứ đến dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán là chồng chị đều sa vào các cuộc nhậu, lúc thì với đồng nghiệp, bạn bè, sau thì với anh em họ hàng. Đến khi tai họa ập xuống với gia đình chị, mới thấy những tác hại của rượu bia ghê gớm như thế nào. Chị L. mất chồng khi mới ngoài 40 tuổi, 2 đứa con thơ đã phải mồ côi cha.

Trong khi đó, cũng là tai họa liên quan đến rượu bia, anh Nguyễn Xuân Đ. ở Đông Sơn kể lại: Tết năm ngoái, trong lúc tôi và anh em trong công ty đi chúc tết ở huyện Mường Lát. 1 xe máy chở theo 2 thanh niên không đội mũ bảo hiểm, vừa chạy với tốc độ cao, loạng choạng và đâm trực diện vào xe ô tô của tôi, dù tôi đã cố gắng đánh lái vào lề đường bên phải.

Hậu quả, 1 trong 2 thanh niên trên đã tử vong. Lúc xuống xe tìm cách đưa 2 nạn nhân này đi cấp cứu thì cả hai đều trong trạng thái say rượu. Đây chính là nguyên nhân khiến 1 trong 2 người đã tử vong. Sau này được biết, 2 thanh niên vừa đi chúc tết, ăn cỗ và đã uống khá nhiều rượu. Vụ việc khiến tôi và gia đình điêu đứng khi phải bồi thường cho 2 nạn nhân hơn 300 triệu đồng sau khi thỏa thuận.

Hai trong số những ví dụ điển hình nói trên đã cho thấy, tình trạng lạm dụng rượu, bia trong những ngày tết đã trở thành một vấn nạn của xã hội hiện nay. Dịp tết cũng là thời điểm được xem là mùa tổng kết, tất niên ở khắp nơi. Từ những bữa tiệc của cơ quan, cho tới các nhóm bạn bè, quan hệ xã hội, nhậu đã trở thành trào lưu.

Nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất cao sau khi người điều khiển ô tô, xe máy đã say mềm. Hơn thế nữa, việc uống quá nhiều rượu, bia ngày tết còn gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trong vòng 2 năm trở lại đây, vào dịp Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân cấp cứu do rượu, bia đều tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường và đang có chiều hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, số ca nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông từ bia, rượu cũng tăng đột biến so với ngày thường. Điều này cho thấy, việc lạm dụng rượu, bia hiện nay đã đem đến những hệ lụy, tác hại khôn lường cho các gia đình và toàn xã hội.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 cùng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trên địa bàn toàn tỉnh không chỉ để xử lý nghiêm những vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển các phương tiện giao thông, hạn chế những tai nạn, mà còn tác động mạnh mẽ đến cộng đồng, xã hội về việc làm giảm những tác hại của rượu, bia trong xã hội.

Với mức phạt nghiêm khắc, cùng sự vào cuộc của lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn toàn tỉnh đã làm thức tỉnh nhiều người dân, thay đổi và nâng cao ý thức của mỗi người đối với tác hại của rượu, bia.

Đến ngày 13-1, đã có tổng cộng 242 lái xe bị xử phạt, trong đó: Phòng PC 08 xử phạt 74 trường hợp (6 lái xe ô tô và 68 lái xe mô tô); lực lượng cảnh sát giao thông các huyện, thị xã, thành phố phát hiện và xử phạt 168 trường hợp (9 lái xe ô tô, 159 lái xe mô tô). Qua phản ánh của các đơn vị cảnh sát giao thông, hầu hết các trường hợp vi phạm đều vừa mới đi nhậu về và vẫn có trường hợp cá biệt bị xử lý ở khung hình phạt cao nhất.

Việc ra quân đồng loạt, xử lý nghiêm không có ngoại lệ của lực lượng cảnh sát giao thông đã khiến nhiều người dân dần dần có ý thức hơn, không dám sử dụng rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông, từ đó cũng giảm hẳn các cuộc nhậu nhẹt. Chị Trần Thị H. ở phường Điện Biên (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Do đặc thù nghề nghiệp và có các mối quan hệ rộng nên chồng tôi thường xuyên có các cuộc giao lưu, ăn nhậu. Từ ngày xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, chồng tôi đã ít tham gia uống rượu, bia. Anh ấy đã về nhà ăn cơm với vợ con nhiều hơn.

Chén rượu, cốc bia mừng xuân mới, cần được người dân có ý thức sử dụng sao cho vừa đủ vui, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng, để không xảy ra những tai họa, những điều bất hạnh cho chính gia đình mình và xã hội.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục tăng cường việc thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hạn chế việc lạm dụng rượu, bia./.

Mạnh Hải