Nỗi lo nợ xấu ngân hàng tăng cao

Nợ xấu đang tăng cao, nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ thống tài chính của Việt Nam và cả nền kinh tế.
anh-ty-le-no-xau-cua-ngan-hang-qua-cac-nam-1697344243.jpg
Tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng lên tới 6,16%.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn nhiều so với mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Trong trường hợp không bao gồm 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,92%.

Nếu tính cả nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thì tỷ lệ này đã lên tới 6,16% tổng dư nợ. Nếu không tính ba ngân hàng mua lại bắt buộc, DongA Bank và SCB thì tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn ở mức 3,82% và nếu không tính cả Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) thì tỷ lệ này là 2,86%.

Theo nhận định của NHNN, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp đang chịu những tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài, làm suy giảm khả năng trả các khoản nợ quá hạn của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Đồng thời, khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện, thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.

Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản trong khi thị trường mua, bán nợ vẫn còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng còn thấp, thiếu chủ động, không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản bảo đảm khiến quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụngkéo dài, kém hiệu quả.

Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống xử lý được 128.800 tỷ đồng nợ xấu, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước.

NHNN cũng cho hay nguồn lực hỗ trợ công tác cơ cấu lại còn hạn chế. Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụngyếu kém còn thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù để xử lý triệt để. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng phi ngân hàng do mình làm chủ sở hữu hoặc là cổ đông lớn.

Theo các Chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, sau thời gian chịu rủi ro của dịch bệnh, tác động rất lớn làm cho cả khách hàng lẫn ngân hàng không thể “chống đỡ”, rất khó tính toán nên ngân hàng không tránh khỏi nợ xấu.

Khủng hoảng đã tác động đến hoạt động kinh tế của đất nước, đặc biệt là doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp đi vay vốn từ ngân hàng, nhưng do khả năng trả nợ “yếu” đã làm nợ xấu của ngân hàng đang tăng mạnh. Cùng với nợ xấu tồn đọng, nợ xấu mới, dự báo, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Quốc Cường