Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu của năm 2022, Việt Nam thu hút gần 5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dù con số này chỉ bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch.
Tuy nhiên, số vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong hai tháng vẫn đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng 1/2022.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,13 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 với gần 1,52 tỷ USD.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận xét, so với các nước láng giềng trong khu vực, Việt Nam đang ở một vị thế khá thuận lợi. Giá bất động sản vẫn tương đối phải chăng nếu đặt lên bàn cân với các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, hay Ấn Độ. Mặc dù giá đang trên đà tăng nhưng vẫn có nhiều dự án mới đang được bổ sung vào nguồn cung tương lai. Đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng tới chi phí đất đai.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, vấn đề nằm tại lực lượng lao động, bao gồm chất lượng tay nghề, môi trường làm việc và phúc lợi xã hội. Với nhiều cơ hội việc làm và phát triển, giá nhân công ở mức tốt, khung pháp lý ngày càng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch... là những yếu tố khiến các doanh nghiệp cảm thấy thoải mái khi đầu tư và làm việc tại Việt Nam - chuyên gia này phân tích.
Viêc các doanh nghiệp có danh tiếng lựa chọn Việt Nam là điểm đến chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng vốn FDI; đồng thời, làm tăng thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đơn cử như Lego hiện đang chỉ có 5 nhà máy sản xuất trên toàn cầu. Do đó, việc doanh nghiệp này lựa chọn Việt Nam là điểm đến để xây dựng nhà xưởng mới là một thành công lớn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI - ông Matthew Powell dẫn chứng.Bên cạnh những tập đoàn lớn, Việt Nam cũng thu hút vốn FDI từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, hậu cần. Số lượng các dự án công nghiệp đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng, với mục tiêu ưu tiên phát triển trung tâm dữ liệu. Một số yêu tố lợi thế chính là: sản phẩm, nhân công, cơ sở hạ tầng...
Phân tích về việc số lượng doanh nghiệp FDI tham gia thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam ngày một gia tăng, ông Matthew Powell cho rằng, có nhiều lý do tạo nên sự hấp dẫn của phaankhcus này. Cụ thể, đất công nghiệp ở VIệt Nam có mức giá tương đối hợp lý, có nhiều nhà phát triển bất động sản uy tín cùng với chính sách pháp lý phù hợp. Đây là những yếu tố giúp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, có thể kể đến các yếu tố khác như dân cư, dân số lao động, chi phí nhân công, mạng lưới giao thông thuận tiện và khả năng tiếp cận các cảng và sân bay quốc tế, nhằm phục vụ việc xuất nhập khẩu thành phẩm và sản phẩm.
Ngoài những điều kiện thuận lợi này, hoạch địch chính sách một cách đúng đắn từ cấp trung ương đến địa phương cũng tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam. Do đó, nhiều công ty mới đang gia nhập thị trường do những ưu đãi thuế tại các khu vực kinh tế trọng điểm.
Theo ông Mattthew Powell, hiện nay các doanh nghiệp đang cố gắng mở rộng và đa dạng hoá thị trường để không bị phụ thuộc vào Trung Quốc; trong đó, Việt Nam nổi lên với sự ổn định về chính trị, cơ hội đầu tư rộng mở, đáp ứng được các nhu cầu từ doanh nghiệp liên quan đến các yếu tố pháp lý và hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Tuy thủ tục hành chính vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng cũng đã có nhiều cải thiện. Nhìn chung, có rất nhiều nhân tố “kéo” các nhà đầu tư về với thị trường Việt Nam, thay cho những địa điểm khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Thái Lan.
Việt Nam đã thu hút nhiều nhà phát triển bất động sản công nghiệp trong khu vực với các dự án đang trong quá trình xây dựng hoặc dự án mới. Nổi bật là các dự án trung tâm dữ liệu và kho vận đang ghi nhận sự gia tăng nguồn đầu tư chất lượng cao.
Các chuyên gia của Savills chia sẻ việc giúp các nhà đầu tư, nhà phát triển tìm kiếm địa điểm mới hoặc đối tác liên doanh mới. Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong các thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Bởi vậy, một số công ty lớn của Mỹ và châu Âu đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam.
Đối với những doanh nghiệp này, việc lựa chọn địa điểm thích hợp cần phải có nghiên cứu phân tích chuyên sâu. Khi làm việc cùng các nhà sản xuất để xác định vị trí phù hợp, đội ngũ của Savills sẽ xem xét nhiều yếu tố khác nhau bao gồm giá cả, chi phí nhân công, hệ thống giao thông và thời gian di chuyển tới các cảng.
Các yếu tố này sẽ được tính toán dựa trên đặc thù ngành và sản phẩm của từng doanh nghiệp. Ví dụ, khi làm việc với một công ty sản xuất thiết bị y tế muốn phát triển nhà máy tại Hà Nội; trước tiên, họ cần xác định các địa điểm phù hợp, sau đó nghiên cứu yếu tố pháp lý và đầu tư, đồng thời đảm bảo rằng quy trình diễn ra suôn sẻ.
Thời gian qua, dịch bệnh đã gây ra nhiều cản trở đối với việc đầu tư do các hạn chế khi làm việc qua Internet khiến nhiều doanh nghiệp khó đưa ra quyết định phù hợp. Với sự trở lại của các chuyến bay quốc tế vào ngày 15/3, các chuyên gia của Savills cho rằng, sẽ có sự bùng nổ trong vốn đầu tư nước ngoài với nhiều dự án mới được ký kết, đặc biệt là các nhà máy sản xuất và hậu cần kho bãi trong những tháng sắp tới.
Thị trường bất động sản công nghiệp cũng đang ghi nhận nhiều dự án trung tâm dữ liệu và kho vận với nguồn đầu tư chất lượng cao, góp phần làm gia tăng uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc mở các đường bay quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp cận dự án khu công nghiệp tại Việt Nam dễ dàng hơn. Điều này sẽ tạo bước tiến lớn cho đà tăng trưởng của phân khúc này trong năm 2022./.