Nhạc sỹ Hồng Đăng đã rời cõi tạm

Sáng nay trên đường từ Phan Thiết về Vũng Tàu, ngồi trên xe bỗng nghe tin Nhạc sỹ Hồng Đăng qua đời. Dẫu biết rằng, sinh - lão - bệnh - tử là quy luật khắc nghiệt của đời sống nhưng tôi không khỏi xúc động trước hung tin này.
22-6-2005-1-3285-1647937201.jpg
Nhạc sỹ Hồng Đăng trong một buổi giao lưu

Tôi với Nhạc sỹ Hồng Đăng là người cùng quê, danh tiếng của ông được cả triệu người biết đến nhưng với tôi vẫn là người khá xa lạ. Chỉ tại ông là nhạc sỹ tài danh còn tôi thì gần như ngoại đạo, một nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết. Một vài lần họp đồng hương gặp ông, tôi chào ông kính cẩn nhưng để nói chuyện tâm giao thì gần như không thể.

Trước Tết con Cọp, khi Nhà báo Phan Xuân Luật từ Tuy Hòa ra Hà Nội, mấy anh em chúng tôi có hẹn nhau ăn tối rồi đến thăm và chúc tết nhạc sỹ Biển Hát Chiều Nay. Vợ chồng ông ở trong con hẻm thuộc Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, khá gần với chân cầu Chương Dương. Nhà theo kiểu căn liền kề, một di sản từ hồi còn “làm chủ tập thể”.

Nghe nói, tài sản này chủ yếu là do người vợ hiện tại, chị Lê Anh Thúy gây dựng nên còn nhà của ông thì đã phải bán đi gán nợ sau khi tổ chức đêm nhạc khá hoành tráng ở Hà Nội nhưng nhà tài trợ lặn mất hút.

Một ông giám đốc Ngân hàng yêu nhạc đã đồng ý tài trợ cho đêm nhạc Hồng Đăng nhưng chỉ là đồng ý bằng miệng, còn Nhạc sỹ thì cứ đinh ninh là kẻ sỹ thì luôn trọng chữ tín nên dốc hầu bao để tổ chức đêm diễn. Nhạc sỹ lúc đó không còn trẻ nữa nhưng tâm hồn thì vẫn trẻ thơ và du dương theo tiếng đàn nên đâu có hiểu được nội tình của một CEO nhà bank ngoài quốc doanh đang đánh nhau chí tử và để giải ngân thì phải có căn cứ pháp lý theo luật định.

Đêm nhạc kết thúc, sau khi trang trải các khoản chi phí, vợ chồng nhạc sỹ Hồng Đăng đã phải “ra đê” theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, dẫu rằng nguyên nhân không phải từ chuyện lô đề. Dịp Tết về quê, tôi ghé qua nhà lưu niệm cụ Phan Đăng Lưu, bác ruột nhạc sỹ Hồng Đăng, ở đó có cả sơ đồ gia phả của một dòng họ nổi tiếng với nhiều người thành đạt.

Ông nội của Nhạc sỹ Hồng Đăng là cụ Phan Đăng Dư, một nhà nho nổi tiếng đã sinh ra những người con giỏi giang, đỗ đạt và đều làm thông phán thời thuộc Pháp nên người làng vẫn gọi là cụ Phán. Chuyện này tôi đã viết khá kỹ khi nói về cụ Phan Đăng Dư, thân sinh ra các ông Phán là: Phan Đăng Lưu (Phán Tằm), Phan Đăng Triều (Phán Triều), Phan Đăng Tài (Phán Tài) và Phan Đăng Dương một trí thức tài ba yêu tự do.

Thân phụ nhạc sỹ Hồng Đăng là Phan Đăng Tài, trước cách mạng làm ở tòa sứ của người Pháp, rồi bỏ việc theo Việt Minh, từng là Phó chủ tịch lâm thời đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Sau này, khi gia đình chuyển ra Hà Nội, nhiều năm ông Phan Đăng Tài làm trưởng phòng tư liệu của báo Nhân Dân. Các bậc lão thành ở báo Nhân Dân kể lại: Phan Đăng Tài là học giả, hiểu nhiều, biết rộng, thông thạo 7 ngoại ngữ, đã dịch nhiều tác phẩm với bút danh Phan Hồng Sơn, ông được mọi người gọi là “kho tư liệu sống”.

Trước khi học Pháp văn, cụ Tài là nhà nho nhưng biết chơi đàn nguyệt yêu dân ca Ví Giặm. Có lẽ con đường âm nhạc của Hồng Đăng được truyền cảm hứng từ người cha.  Cũng vì theo con đường Nho học nên người xưa vẫn quan niệm đã là kẻ sỹ phải rành “Nho – Y – Lý - Số”. (儒 医 理 数). Theo đó, Nho: Tứ thư, Ngũ kinh, những môn Lễ giáo để hiểu căn bản, học để thi ra làm Quan; Y: Học về cây cỏ  làm thuốc chữa bệnh cứu người; Lý: Dịch lý, Địa lý cái lẽ biến dịch trong trời đất; Số: Các môn bói toán Tử vi, Tứ trụ định hướng đi trong cuộc đời…

Cũng có lẽ kế thừa phẩm chất này từ người cha Phan Đăng Tài mà nhạc sỹ Hồng Đăng biết đàn, biết hát, biết xem tử vi, xem phong thủy… cùng với việc sáng tác ca khúc, ông còn khá nổi tiếng với tài xem tử vi, phong thủy, đoán tiền vận, hậu vận, tình duyên… Trên bàn thờ nhà ông ở Phúc Tân vẫn còn lưu giữ hình ảnh của cụ Phan Đăng Tài và mẹ ông là cụ bà người Văn Thành cũng là người rất phúc hậu và hiếu khách.

Nhà văn Phan Tất cùng quê, có họ ngoại với cụ Phan Đăng Lưu kể lại: Từ cụ Phan Đăng Dư đến các con đều là những người thích xê xịch. Những người cao niên vẫn nhớ hình tượng cụ Dư cởi trần, mặc quần cộc đi hết chỗ này đến chỗ khác trong huyện để xem phong thủy. Đặc biệt là cụ thường có mặt ở các phiên chợ lớn ở trong vùng.

Nhờ kiến thức uyên bác, lại thêm tư duy thương mại nên cụ Dư không chỉ là một nhà nho mà còn là địa chủ có danh tiếng. Sở hữu nhiều ruộng đất nên cụ đã phải chịu sự đấu tố rất khắc nghiệt trong cải cách ruộng đất năm 1956 để rồi cụ phải qua đời trên đường đi cải tạo cho đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Nhà báo Phan Xuân Luật kể: thời anh còn là sinh viên, vào những ngày cuối tuần thường đến chơi nhà cụ Phan Đăng Tài. Nhà cụ Tài không giàu nhưng luôn rộng mở, lúc nào cũng đông đúc, sẵn sàng đón bạn bè, con cháu, họ hàng, người làng, người xã đến ăn ở nhiều ngày…

Tâm hồn văn chương, tình thương người đã trở thành một truyền thống của gia đình, điều này giải thích vì sao những ca khúc của Hồng Đăng không chỉ hay về giai điệu mà còn đầy ắp tính nhân văn. Giờ đây, khi rời cuộc phiêu lưu trên cõi tạm, ông để lại hơn 700 tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau trong âm nhạc gồm: Ca khúc, hợp xướng, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu và cả “tỉnh ca, doanh nghiệp ca...

Có lần ông tâm sự: Thường thì một ca khúc phải có nguồn cảm xúc tích tụ đủ lớn mới bật ra được những ca từ, những nốt nhạc. Ai đó nói rằng, sau mỗi ca khúc thường có bóng dáng một cuộc tình, điều đó không sai. Cuộc đời ông cũng đã trải qua nhiều cuộc tình nhưng nếu là 700 cuộc thì nhiều quá. Đôi lúc cảm xúc đến từ những thân phận, những hoàn cảnh lay động tâm hồn người nghệ sỹ vậy là có thêm một tác phẩm được thai nghén. Nhưng cũng có lúc vì mưu sinh mà phải sáng tác theo đơn đặt hàng.

Tôi không rành lắm chuyện bếp núc của các nhạc sỹ nhưng với các ca khúc của của Hồng Đăng, mỗi khi cất lên thấy con tim thổn thức như trẻ lại: “Môi cười rất xinh lung linh màu áo/Câu hát gợi lên những khát khao đại dương…” (Biển hát chiều nay). Rồi đây nữa: “Em vẫn từng đợi anh/Như hoa từng đợi nắng/Như gió tìm rặng phi lao/Như trời cao mong mây trắng…” (Hoa sữa). Dẫu không rành về âm nhạc nhưng nghe những bài hát của Hồng Đăng, ca từ xứng đáng là những bài thơ tình mượt mà làm rung động hàng triệu con tim. Xin được giới thiệu bài “Biển hát chiều nay” một ca khúc về biển rất khó thay thế cho đến thời điểm này.

“Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao/Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào

Môi cười rất xinh lung linh màu áo/Mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu

Có gì sáng nay mà sóng xôn xao…/Chân trời vẫn xanh màu nắng vẫn ngọt ngào

Môi cười rất xinh lung linh màu áo/Câu hát gợi lên những khát khao đại dương

Ơi biển Việt Nam ơi sóng Việt Nam/Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng

Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương

Mỗi một tình yêu mỗi một cuộc đời/Qua bao nhiêu thăng trầm lửa thử vàng mới nên người

Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương/Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương

Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao/Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào

Môi cười rất xinh lung linh màu áo/Mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu

Có gì sáng nay mà sóng xôn xao/Chân trời vẫn xanh màu nắng vẫn ngọt ngào

Môi cười rất xinh lung linh màu áo/Câu hát gợi lên những khát khao đại dương

Ơi biển Việt Nam ơi sóng Việt Nam/Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng

Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương

Mỗi một tình yêu mỗi một cuộc đời/Qua bao nhiêu thăng trầm lửa thử vàng mới nên người

Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương/Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương

Biển xanh vẫn nhớ những lời yêu thương/Nghe biển hát tình ca/Biển kể chuyện quê hương…”

Nhạc sỹ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng. Ông sinh năm 1936 tại Hoa Thành - Yên Thành, Nghệ An. Ông học khóa 1 lớp sáng tác của trường âm nhạc Việt Nam, nguyên phó Tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc và Thế giới Âm nhạc. Ông là nhạc sỹ đầu tiên được kết nạp vào hội Điện ảnh Việt Nam, ủy viên BCH hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, ủy viên ủy ban quốc gia thập kỷ phát triển văn hóa quốc tế.

Ông được giải thưởng nhà nước năm 2001 và Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 năm 2021. Thành kính thắp cho ông một nén hương, cầu mong cho ông bình an nơi chín suối!./.

Phan Thế Hải