Theo nhận định của ngành nông nghiệp, tình trạng hạn hán sẽ rải đều tại các địa phương trong tỉnh, tập trung vào một số khu vực ít nguồn nước sông suối tự nhiên, đồi núi cao. Cụ thể như khu vực xã Đạ Sar, Đa Nhim (huyện Lạc Dương), xã Phi Tô, Đạ Đờn, Phú Sơn (Lâm Hà); xã Ninh Gia, Đa Quyn, Đà Loan (Đức Trọng); xã Đồng Nai Thượng, Nam Ninh, Đức Phổ (Cát Tiên)…
Để ứng phó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân tăng cường nạo vét kênh mương, phát triển công trình thủy lợi vừa và nhỏ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với tình hình thời tiết; áp dụng công nghệ mới, công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm vào sản xuất; đầu tư cải tạo, nâng cấp và nạo vét hồ chứa bị hư hỏng, phát triển hệ thống ao hồ nhỏ trên địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng có kế hoạch bố trí kinh phí theo nhu cầu thực hiện về phòng chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2022 vào khoảng 155,9 tỷ đồng. Trong số đó bao gồm: kinh phí nạo vét cửa lấy nước đầu mối công trình thủy lợi, nâng cấp đường ống cấp nước sinh hoạt, nạo vét mương thủy lợi, mua thiết bị trữ nước hỗ trợ người dân, hỗ trợ tiền điện và dầu máy bơm.
Ghi nhận đến đầu tháng 2/2022, dung tích trữ trong các hồ thủy điện, thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn khoảng 80% so với thiết kế. Mực nước trong hồ phổ biến thấp hơn so với mực nước dâng bình thường từ 0,2 – 4m. Diện tích cây trồng nằm ngoài khu vực tưới của các công trình thủy lợi còn khá nhiều nên cảnh báo khả năng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô 2022 trên địa bàn tỉnh ở mức cao./.