Lào Cai: Tham gia hội thảo trực tuyến, Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội

Đây là chủ đề tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ Việt Nam. Hội nghị đối thoại nhằm tạo những bứt phá mạnh mẽ trong phong trào phụ nữ và công tác Hội phụ nữ thời gian tới; cổ vũ nỗ lực và quyết tâm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của mỗi gia đình, mỗi con người Việt Nam, trong đó có phụ nữ Việt Nam.

Tham dự tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, bộ, ban, ngành thuộc Chính phủ; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các Đoàn thể Trung ương, tổ chức hội; lãnh đạo, phòng, ban, đơn vị của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại biểu thành phố Hà Nội… và hơn 5.000 cán bộ, hội viên phụ nữ, các nữ doanh nhân, nữ trí thức, phụ nữ lực lượng vũ trang, phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực tham gia ở các điểm cầu cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh liên quan; lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và đại diện hội viên, phụ nữ của tỉnh, các hộ hợp tác xã, kinh tế tập thể.

lcai1-1666251001.jpg
Hội nghị đối thoại được truyền hình trực tiếp đến 62 tỉnh, thành phố trên cả nước

Thông tin tại Hội nghị, đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Để chuẩn bị cho Hội nghị đối thoại với Thủ tướng, các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của hội viên, phụ nữ thông qua sinh hoạt hội viên, tiếp công dân, giải quyết đơn thư; đồng thời Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nắm bắt dư luận xã hội, thu thập ý kiến trên hệ thống Cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội của Hội, Báo Phụ nữ Việt Nam. Qua đó, nội dung đối thoại tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: (1) Phụ nữ với phát triển kinh tế; (2) Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; (3) Phụ nữ và thế hệ tương lai.

Theo thống kê, phụ nữ chiếm 50,2% dân số cả nước, 47,4% lực lượng lao động; 50% bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, xếp hạng thứ 62/190 quốc gia; tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 48,3%; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa Chỉ số kết quả tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9/58 nước, xếp thứ 2/6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu... Từ năm 2015 đến nay đã có 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được UNESCO vinh danh là Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới. Có 02 nữ doanh nhân trong Top 10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022; 3 doanh nhân có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Vận động viên nữ Việt Nam có đóng góp quan trọng tại SEA Games 31, chiếm gần 50% trong tổng số huy chương của đoàn Việt Nam.

lcai2-1666251057.jpg
Đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam báo cáo một số kết quả của tổ chức Hội, phụ nữ cả nước

Phát biểu mở đầu đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt, đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vị trí công việc gì, phụ nữ Việt Nam cũng toả sáng phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp... Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng, xã hội.

Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người phụ nữ, để không ai bị bỏ lại phía sau. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, thân thành, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu phụ nữ nêu rõ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó xử lý, giải quyết. Những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

lcai3-1666251100.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Tham dự đối thoại và phát biểu tại Hội nghị

Cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia đối thoại trực tiếp với các đại biểu phụ nữ Việt Nam tại Hội trường đối với 03 nhóm vấn đề chính có Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga và Bộ trưởng, Thủ trưởng, Thứ trưởng các bộ, ngành: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Bộ Nội vụ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công an; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

Tại Hội nghị, đại biểu Vi Thị Hợi, dân tộc Tày, hội viên phụ nữ xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đặt câu hỏi với nội dung: “Ở nước ta, hiện có đến trên 60% lực lượng lao động trong độ tuổi vẫn chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, chủ yếu là nông dân và người lao động trong khu vực phi chính thức - những người có thu nhập thấp, đồng nghĩa với việc họ chưa được hưởng các chế độ thai sản của Nhà nước. Xin Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ có giải pháp cụ thể nào để tăng số lượng người lao động được hưởng chế độ thai sản, trong đó có lao động nữ”.

Có 15 câu hỏi thuộc 03 vấn đề chính được đại biểu phụ nữ đến từ các tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị, tổ chức trên cả nước (đại biểu Nguyễn Thị Bình - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Dao Thống nhất, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; đại biểu Đỗ Thị Ninh - Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương chi nhánh Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; GS.TS. Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; đại biểu Trần Thuý Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Minh Nông, tỉnh Phú Thọ; đại biểu Nguyễn Hạnh Thảo - Chủ tich Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh; đại biểu Bùi Kim Trúc tỉnh Hậu Giang; đại biểu Đỗ Mai Hương - Chị hội trưởng chi hội 9 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội; đại biểu Vi Thị Hợi - Hội viên phụ nữ xã Tả Phời, thành phố Lào Cai…)

laocai4-1666251180.jpg
Đại biểu Vi Thị Hợi, hội viên phụ nữ xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đặt câu hỏi trong nhóm vấn đề “Phụ nữ và thế hệ tương lai”

Đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương trong Hội nghị như: Giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác, mở rộng các chính sách về tài chính vi mô; hỗ trợ phụ nữ tham gia nghiên cứu phát triển khoa học; ghi danh trang phục áo dài truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ; giải pháp giải quyết vấn đề di cư phụ nữ, trẻ em, nhất là về thủ tục pháp lý, tái hòa nhập cộng đồng; chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ, lao động phi chính thức; xây dựng đề án, chương trình giáo dục làm cha mẹ tổng thể cấp quốc gia nhằm góp phần tạo điều kiện giáo dục, phát triển trẻ em toàn diện; quản lý thông tin trên mạng xã hội, xử lý vi phạm trong không gian mạng...

Tại Lào Cai, với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội đổi mới hình thức sinh hoạt, chuyển đổi cách tiếp cận, đa dạng hóa các hoạt động, thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số và đại dịch Covid-19. Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và 152 Hội phụ nữ cấp xã; có 110.949 hội viên/145.615 phụ nữ, đạt tỷ lệ 76,2%; hội viên hiện đang sinh hoạt tại 1.492 chi hội và 345 tổ phụ nữ. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai đã cử 321 lượt cán bộ xuống cơ sở nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, đời sống của hội viên, phụ nữ và triển khai các hoạt động của Hội.

laocai5-1666251243.jpg
Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai tham dự Hội nghị đối thoại

Bám sát sự lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, Trung ương Hội, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, các chỉ đạo trọng tâm trong năm; phát động các phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả; tổ chức các hoạt động công tác Hội phù hợp với tình hình phòng chống dịch Covid-19; đồng hành, khích lệ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế và chăm lo đời sống cho hội viên, phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn;… Tại Hội nghị đối thoại, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh đã tặng hoa cho các đại biểu nữ tham dự và ban lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với phụ nữ Việt Nam có ý nghĩa quan trọng khi được tổ chức vào năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Đồng thời cũng là thời điểm có nhiều hoạt động thiết thực chào mừng 92 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2022) và 12 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2010 - 20/10/2022)./.

Thanh Huyền