Kỳ vọng mở hướng đi mới cho vùng nông thôn Phú Yên

Ngoài các mô hình khuyến nông đang phát triển, tỉnh Phú Yên đang được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ triển khai 4 mô hình trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế còn khó khăn. Các mô hình đang cho hiệu quả tốt, kỳ vọng sẽ mở ra “hướng đi mới” cho người dân vùng nông thôn của tỉnh.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, 4 mô hình khuyến nông đang được triển khai tại Phú Yên gồm: Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô tại huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa; trồng giổi ăn hạt bằng cây ghép tại huyện Sông Hinh; chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học tại huyện Phú Hòa; sản xuất giống sắn sạch bệnh, phòng trừ bệnh khảm lá sắn gây hại tại các vùng trọng điểm trồng sắn.

 Từ tháng 10/2020, gia đình ông Nguyễn Phước, trú tại thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân đã tham gia mô hình trồng rừng gỗ lớn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ. Ngoài được đầu tư cây giống, gia đình ông Phước còn được cơ quan khuyến nông hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng chăm sóc rừng cây.

b12t-1637198756.jpg
Làm đường giao thông nông thôn ở Phú Yên. (Ảnh: Thùy Thảo) 

 Ông Nguyễn Phước chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 1.660 cây keo lai mô dòng (PV75) trên hơn 1ha đất rừng. Nhờ giống sạch bệnh, dễ chăm sóc và bón phân hợp lý, sau hơn một năm trồng cây đang phát triển rất tốt, cao hơn so với cây keo lai bình thường, tỷ lệ sống đạt 98%. Hiện chu kỳ khai thác đối với cây keo rừng gỗ lớn là 8 năm, dài hơn so với trồng keo dăm từ 2 - 3 năm trong khi nhân công và vốn đầu tư thấp, tôi hy vọng cây rừng gỗ lớn sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình, làm thay đổi vùng quê Xuân Quang 2”.

 Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai từ năm 2020 tại các xã đặc biệt khó khăn như xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân; các xã Cà Lúi, Sơn Hội và Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, với tổng diện tích 95 ha gồm hai dòng keo nuôi cấy mô được công nhận là AH1, BV75.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 Nguyễn Văn Khương, xã có 14 hộ dân tham gia trồng rừng keo lai mô gỗ lớn với diện tích 30ha. Ban đầu khi triển khai mô hình người dân cũng ngần ngại vì đã quen trồng keo dăm thu hoạch trong thời gian ngắn, trong khi giống keo mô rừng gỗ lớn thời gian cho thu hoạch lâu hơn. Tuy nhiên với giống keo AH1 đang trồng thực tế tại địa phương có tốc độ phát triển gấp 1,5 lần cây keo bình thường, không bị sâu bệnh kỳ vọng sẽ mang lại giá trị cao cho người trồng. Do vậy, người dân đã dần thay đổi nhận thức về trồng rừng gỗ lớn, tích cực chăm sóc rừng cây.

Ông Nguyễn Hoàng Tiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Chủ nhiệm mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô AH1 cho biết, keo lai mô là giống cây rừng sạch bệnh, năng suất cao, cây rừng đạt khoảng 250m3/ha (trong 8 năm trồng). So với canh tác rừng truyền thống khác, mô hình trồng rừng gỗ lớn có nhiều lợi thế đó là giảm lượng giống trồng, bón phân, chăm sóc, giá trị kinh tế gỗ mang lại cao, giảm áp lực khai thác gỗ từ rừng tự nhiên. Ngoài ra, chu kỳ quay vòng đất rừng sản xuất trồng rừng gỗ lớn được kéo dài hơn từ đó làm ổn định cơ cấu đất, hạn chế rửa trôi xói mòn đất. Đây cũng là giải pháp để phát triển rừng bền vững đang được triển khai tại nhiều địa phương.

Nhằm đa dạng giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh, trong năm 2021 Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên thực hiện dự án Phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học tại xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa. Với 5.300 con vịt biển chuyển giao cho 10 hộ nuôi, sau hai tháng tỷ lệ vịt nuôi của các hộ nuôi sống đạt 95%, trọng lượng 2,7kg/con. Mô hình nuôi vịt biển ở Hòa Thắng đã có lãi 18.000 đồng/con trong khi cùng thời điểm triển khai mô hình, các hộ chăn nuôi đại trà vịt siêu thịt đang bị lỗ khoảng 5.000-10.000 đồng/con.

Bà Đào Thị Hoa, trú tại xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa nuôi 530 con giống vịt biển Đại Xuyên theo dự án cho biết vịt lớn nhanh dễ thích nghi với môi trường nuôi nước ngọt. “Tôi đã bán 80 con vịt nuôi đợt 1 trọng lượng trên 2kg/con với giá cao hơn 10.000 đồng/kg so với vịt cỏ thường. Thịt vịt biển thơm ngon khác biệt nên nhiều người dân địa phương đã đến gia đình hỏi mua và tìm hiểu cách nuôi. Tôi mong rằng nhà nước tiếp tục hướng dẫn thêm kỹ thuật, hỗ trợ quảng bá giá trị của vịt biển đến người tiêu dùng”, bà Hoa cho hay.

 Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên, xã Hòa Thắng là địa phương thứ 2 ở Phú Yên triển khai mô hình nuôi vịt biển. Trước đó, năm 2020 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình tại huyện Tuy An. Với tên gọi là vịt biển nhưng giống vịt này được lai tạo từ vịt trời và vịt Đại Xuyên do vậy có thể nuôi ở vùng nước ngọt hoặc nước lợ, tỷ lệ sống cao, sinh trưởng tốt và ít bệnh tật, tăng trọng nhanh. Giống vịt này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi và thích nghi với điều kiện môi trường nuôi tại Phú Yên. Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục triển khai mô hình tại các địa phương khác để người dân được tiếp cận nhân rộng mô hình nuôi vịt biển.

 Trong hai ngày 14 và 15/11, Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đi kiểm tra thực tế tại các mô hình chăn nuôi, lâm nghiệp trung tâm đang chuyển giao, hỗ trợ các địa phương Đồng Xuân, Phú Hòa và thị xã Đông Hòa của tỉnh Phú Yên.

 Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ khuyến nông Trung ương ở tỉnh là đưa công nghệ về địa phương, thông qua các cán bộ khuyến nông địa phương để chuyển giao cho người dân. Mục đích của các mô hình là để người dân tiếp nhận và làm chủ, áp dụng công nghệ vào chăn nuôi, trồng trọt và lan tỏa hỗ trợ nhau nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả tại địa phương.

 Đánh giá cao mô hình thâm canh gỗ rừng lớn bằng cây keo lai mô, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng, mô hình thâm canh rừng gỗ lớn đã được tích hợp các yếu tố công nghệ mới nhất, đó là kỹ thuật nuôi cấy mô, kết hợp với việc trồng thưa, thâm canh (tức bón phân cho cây rừng) và các kỹ thuật chăm sóc hỗ trợ cắt, tỉa. Mô hình mới được triển khai tại Phú Yên hơn một năm tuy nhiên cây rừng phát triển rất tốt. Hy vọng mô hình này sẽ mang lại hiệu quả cao trong thời gian tới. Phát triển rừng bền vững hiện nay phải có chứng chỉ, có xuất xứ thì mới có giá trị cao chứ không thể trồng như trước đây, nên cần phát triển, nhân rộng mô hình./.