Kiến nghị Quốc hội quy định đền bù “trung bình cộng” trong Luật Đất đai

7 h, ngày 10/5/2022, một báo điện tử đăng bài viết của một vị Tiến sỹ (tôi không tiện nêu tên), với tiêu đề khá phức tạp, chữ nghĩa trừu tượng, thiếu tính thực tiễn: “Điều chỉnh cơ chế và công cụ chính sách để giảm mâu thuẫn đất đai”.
dat-tach-thua-1652315672.jpg
 

Nội dung bài viết vẫn mang tính “chỉ đạo” chung chung, chưa trúng đích với đòi hỏi người dân cần. Khiến dư luận nói vui: “Với tư duy tràng giang đại hải của TS này, thì đến mùa quýt mới giảm mâu thuẫn đất đai”…

Tôi cho rằng người dân bây giờ, chỉ cần Quốc hội quy định cách đền bù công bằng trong Luật Đất đai, là sẽ giảm hẳn mâu thuẫn về đất đai. Còn việc chờ đợi các cơ quan chức năng, chuyên môn nghiên cứu, xem xét, trình Quốc hội ban hành Luật Đất đai mới, thì chưa biết đến bao giờ (vì cứ hoãn đi, hoãn lại). Mà chưa chắc đã có quy định cách đền bù công bằng cho người dân.

Thế nên, hơn một lần, tôi kiến nghị Quốc hội xem xét, sớm có quy định điều chỉnh, bổ sung Luật Đất đai hiện hành, áp dụng đền bù khi thu hồi đất theo nguyên tắc “trung bình cộng” đối với các trường hợp thu hồi để thay đổi mục đích sử dụng đất, từ giá trị thấp (trước khi thu hồi), thành giá trị cao (sau khi thu hồi).

Thí dụ cụ thể, trước khi thu hồi từ đất ruộng, có giá trị theo quy định 200.000đ/1m2. Sau khi thu hồi, thành đất xây dựng khu đô thị mới, có giá trị theo quy định 20.000.000đ/1m2. Vậy chủ đầu tư (khu đô thị mới) phải thực hiện đền bù (20.000.000 + 200.000): 2 = 10.100.000đ/1m2. Dĩ nhiên có tính đến yếu tố đầu tư cơ sở hạ tầng của chủ đầu tư.

Và để tránh “treo đầu chó, bán thịt dê”, không loại trừ có chủ đầu tư ma lanh, ngoắc ngoặc với cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi đất, thay đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, thành đất phi nông nghiệp có giá trị không cao, để áp dụng đền bù.

Đến khi thu hồi, đền bù xong xuôi, họ lại được (cơ quan chức năng cho) thay đổi mục đích sử dụng đất một lần nữa, có giá trị cao hơn nhiều. Do đó, Luật cũng cần quy định đối với trường hợp này, chủ đầu tư phải thực hiện đền bù bổ sung thêm cho những người bị thu hồi đất nông nghiệp. Có thế mới bảo đảm sự công bằng xã hội.

Ngoài ra, nếu Quốc hội có quy định đền bù áp dụng nguyên tắc “trung bình cộng” nêu trên, trong Luật Đất đai, sẽ là “1 mũi tên trúng 2 đích”. Vừa góp phần giảm thiểu mâu thuẫn về quản lý, vừa góp phần hạn chế tận gốc tiêu cực, tham nhũng về đất đai. Tôi nghĩ đây là một trong những biện pháp tháo ngòi nổ trong mâu thuẫn về quản lý đất đai.

Bởi vì thực tế Luật pháp và chính sách đền bù đất đai khi thu hồi, thay đổi mục đích sử dụng đất không hài hòa như chúng ta mong đợi. Nếu chưa muốn nói là bất hợp lý nhất và bất công nhất hiện nay. Mặc dù nếu nhìn từ góc độ lý thuyết, có người vẫn đinh ninh rằng: “Các điều Luật Đất đai đã quy định những nguyên tắc đền bù thỏa đáng, khi thu hồi đất. Đã thế lại còn có thêm các Nghị định, quy định hỗ trợ cả gạo, tiền và công ăn việc làm… cho người dân bị thu hồi đất”…

Song, thực trạng về Luật đất đai hiện hành vẫn đang là một lỗ hổng lớn, tiếp tay cho các nhóm lợi ích lợi dụng, khai thác triệt để, “đi lên”, trở thành tỷ phú từ đất. Và một số “quan chức” cũng “tuột xích” từ đất...

Cho nên, tôi tin tưởng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và tôi mạnh dạn kiến nghị Quốc hội của chúng ta sẽ sớm điều chỉnh, bổ sung quy định đền bù theo cách trên trong thực hiện Luật Đất đai hiện nay./.

Nguyễn Thành Lập