Hai bên cũng thảo luận về việc phát triển khu công nghiệp năng lượng sạch và ô tô điện tại huyện Jembrana, và trung tâm chất lượng cao của khu vực về cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải trên “hòn đảo của các vị thần”.
Thống đốc Koster cho rằng Bali - với tư cách là một điểm đến du lịch hàng đầu - cần được tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông kết nối và tích hợp như tàu hỏa và ô tô điện nhằm phát triển bền vững. Ngoài ra, điều này cũng nhằm triển khai thực hiện các Quy định số 45/2019 và 48/2019 của Thống đốc Bali về phát triển năng lượng sạch và sử dụng xe điện chạy bằng pin.
Thống đốc Koster nhấn mạnh rằng Bali khuyến khích phát triển và kết nối với hệ thống giao thông tập trung vào một số địa điểm như Sanur, Denpasar, Bãi xe trung tâm Kuta, Badung, Ubud, Gianyar, Gunaksa, và Klungkung.
Do vậy, Thống đốc Koster hy vọng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư từ Hàn Quốc, trong đó có việc xây dựng hệ thống đường sắt, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng mối quan hệ hợp tác giữa Bali và Hàn Quốc sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ sự gần gũi về văn hóa.
Về phần mình, Thứ trưởng Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc Yoon Sung-won đã hoan nghênh ý tưởng của chính quyền Bali, đồng thời khẳng định phía Hàn Quốc này cũng mong muốn giới thiệu các tiến bộ công nghệ cũng như hệ thống giao thông vận tải của mình để sử dụng tại Bali.
Thứ trưởng Yoon Sung-won cho hay quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Bali đã được bắt đầu với việc nghiên cứu khả thi dự án xây dựng tuyến đường sắt nhẹ (LRT) kết nối Sân bay quốc tế I Gusti Ngurah Rai với khu vực nội thị của thành phố Bali.
Ông Won cũng bày tỏ hy vọng rằng dự án hợp tác này có thể được cụ thể hóa thông qua việc triển khai các nghiên cứu và tính toán chi tiết hơn do điều kiện thổ nhưỡng và văn hóa ở Bali có nhiều điểm khác biệt so với ở Hàn Quốc.
Trước đó hồi đầu năm 2020, Indonesia đã ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) với các đối tác Hàn Quốc nhằm xây dựng tuyến LRT nói trên. Với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ rupiah (hơn 350 triệu USD), dự án này do Công ty xây dựng nhà nước Nindya Karya của Indonesia, Cơ quan mạng lưới đường sắt Hàn Quốc (KRNA) và Tập đoàn Phát triển đô thị và Cơ sở hạ tầng hải ngoại Hàn Quốc (KIND) phối hợp triển khai.
Chủ tịch Công ty Nindya Karya, ông Haedar A. Karim cho biết tuyến LRT này có tổng chiều dài 4,78 km và 4 trạm sẽ kết nối quận trung tâm Kuta với Sân bay quốc tế I Gusti Ngurah Rai. Tuyến LRT này sẽ giống tuyến tàu điện ngầm ở thủ đô Jakarta và được xây dựng sâu 30 m dưới lòng đất.
Ngoài dự án LRT ở Bali, KRNA đã tài trợ 500 triệu USD cho dự án phát triển LRT kết nối khu thể thao Velodrome ở Đông Jakarta với khu vực Dukuh Atas ở Trung tâm Jakarta. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Bắc Sumatra cũng lên kế hoạch xây dựng một hệ thống LRT với sự giúp đỡ của KRNA nhằm kết nối 4 thành phố Medan, Binjai, Deli Serdang và Karo./.