IAEA hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra Sáng kiến Atom4food về đảm bảo an ninh lương thực, sử dụng công nghệ hạt nhân hỗ trợ cung cấp thực phẩm sạch, an toàn hơn, cải thiện dinh dưỡng, thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu.

Trưa 21/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với ông Hua Liu, Phó Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết ngành nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao kết quả hợp tác với IAEA, đặc biệt thời gian gần đây khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử Thế giới nhiệm kỳ 2021-2023. Bộ NN-PTNT đã đóng vai trò tích cực trong việc tham gia tổ công tác liên ngành trong giai đoạn này.

ung-dung-nang-luong-nguyen-tu-nong-nghiep-01-1711009083.jpg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với ông Hua Liu, Phó Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Hợp tác hiệu quả trong việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp

Có thể kể ra một số hợp tác nổi bật của hai bên trong ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển ngành nông nghiệp như: nghiên cứu và ứng dụng thành công mô hình quản lý ruồi đục quả thanh long trên cơ sở tích hợp kỹ thuật triệt sản côn trùng vào quy trình quản lý sinh vật hại tổng hợp trên diện rộng;

Ứng dụng công nghệ hạt nhân gây đột biến để chọn tạo giống lúa mới thích ứng hạn, mặn, ngập nước và ứng dụng đồng vị phóng xạ (N15) trong nâng cao hiệu quả sử dụng phân đạm tại các vùng trồng rau chính.

IAEA cũng đã cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị sinh học phân tử, thiết bị nghiên cứu chẩn đoán bệnh động vật, các loại dịch bệnh từ động vật lây sang người và lây truyền qua biên giới, nâng cao năng lực phòng xét nghiệm…

Ngoài ra, Việt Nam và IAEA cũng phối hợp xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các quốc gia nhằm nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm để có những ứng dụng công nghệ hạt nhân can thiệp hiệu quả hơn cho ngành nông nghiệp.

ung-dung-nang-luong-nguyen-tu-nong-nghiep-02-1711009134.jpg
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết ngành nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao kết quả hợp tác với IAEA.

Với nền tảng hợp tác hiệu quả, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị phía IAEA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực của phòng thí nghiệm, tài trợ các dự án liên quan đến ứng dụng kỹ thuật bất dục côn trùng góp phần vào sản xuất bền vững, đảm bảo an ninh lương thực.

Thứ trưởng cũng đề xuất IAEA hỗ trợ xây dựng 1 trung tâm nghiên cứu và đào tạo ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển nông nghiệp. Nghiên cứu các bệnh lây truyền từ động vật sang người trong môi trường chăn nuôi lợn và nghiên cứu chất kháng kháng sinh trong trại gia cầm.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng mong muốn sự hỗ trợ của IAEA trong tái cơ cấu hệ thống phòng thí nghiệm của Cục Thú y sau khi triển khai đề án sáp nhập các phòng thí nghiệm của Chi cục Thú y vào Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương 1 và 2.

Sáng kiến Atom4food là Giải pháp chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững

Lắng nghe sơ lược về những thành tựu hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Hua Liu, Phó Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá hai bên đã làm việc hiệu quả để đem lại những kết quả tích cực cho ngành nông nghiệp.

Ông Liu cho biết phía IAEA hợp tác chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, các Viện nghiên cứu thuộc Bộ NN-PTNT… trong các lĩnh vực chọn giống và kiểm soát dịch bệnh, đây cũng sẽ là những nội dung Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.

ung-dung-nang-luong-nguyen-tu-nong-nghiep-03-1711009172.jpg
Ông Hua Liu (ngồi giữa) kêu gọi Bộ NN-PTNT cùng xây dựng cơ chế hợp tác để tăng cường hơn nữa ứng dụng của năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp.

Tháng 10 năm ngoái, IAEA đưa ra Sáng kiến Atom4food về đảm bảo an ninh lương thực, sử dụng công nghệ hạt nhân hỗ trợ cung cấp thực phẩm sạch, an toàn hơn, cải thiện dinh dưỡng, thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu.

Sáng kiến này của IAEA giúp kết nối phòng thí nghiệm đến đồng ruộng trong sử dụng năng lượng nguyên tử, từ đó tăng cường năng suất cây trồng và sức chống chọi với dịch bệnh.

“Chúng tôi có những dự án tách biệt các lĩnh vực nông nghiệp, an ninh lương thực, thú y. Nhưng giờ đây, với sáng kiến Atom4food, mọi vấn đề sẽ được gộp làm một trong cái gọi là Giải pháp chiến lược này”, ông Liu giới thiệu.

Sáng kiến gồm 6 điểm chính gồm nhân giống đột biến tạo ra giống mới đáp ứng điều kiện khí hậu khắc nghiệt; áp dụng kỹ thuật đồng vị để tăng chất lượng nước và đất trong nông nghiệp; áp dụng kỹ thuật công nghệ năng lượng nguyên tử để tăng sức đề kháng trong lĩnh vực sức khỏe thú y; tăng cường dinh dưỡng cho sản phẩm nông nghiệp; kỹ thuật bất dục côn trùng; bảo đảm an toàn, an ninh lương thực.

ung-dung-nang-luong-nguyen-tu-nong-nghiep-04-1711009070.jpg
IAEA đưa ra Sáng kiến Atom4food về đảm bảo an ninh lương thực, sử dụng công nghệ hạt nhân hỗ trợ cung cấp thực phẩm sạch, an toàn hơn. (Ảnh minh họa)

Phó Tổng giám đốc Hua Liu cho biết IAEA đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan liên quan đến tài chính, liên kết ngân hàng tại khu vực EU, châu Âu và châu Phi để đảm bảo các chương trình hỗ trợ triển khai thuận lợi.

Ông kêu gọi Bộ NN-PTNT cùng xây dựng cơ chế hợp tác để tăng cường hơn nữa ứng dụng của năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp, nhấn mạnh sự tham gia của các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, vào sáng kiến an ninh lương thực luôn được hoan nghênh.

“Bộ NN-PTNT là cơ quan đầu não quan trọng quản lý toàn bộ lĩnh vực nông nghiệp quốc gia. Vì vậy, việc tham gia của Bộ vào sáng kiến này là rất quan trọng. Nếu như trước kia chúng ta hợp tác tách biệt, riêng lẻ trong các lĩnh vực thú y, thuốc diệt côn trùng, chiếu xạ thực phẩm thì nay chúng ta có thể làm việc chung trong một chủ thể chương trình, hợp tác không chỉ ở cấp các cơ quan đầu não mà còn với nông dân”, ông Liu nhấn mạnh.

Phó Tổng giám đốc IAEA cũng đánh giá cao sự chỉ đạo, dẫn dắt của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và lãnh đạo Bộ NN-PTNT trong hợp tác 3 bên với Lào và IAEA giúp kiểm soát dịch bệnh, dịch bệnh xuyên biên giới tại khu vực.

Phản hồi ý kiến của lãnh đạo IAEA, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết nông nghiệp chỉ chiếm 12% nhưng được xác định là trụ đỡ kinh tế của Việt Nam. Bộ NN-PTNT đánh giá những nội dung trong sáng kiến của IAEA thiết thực với nông nghiệp Việt Nam và mong muốn đón chuyên gia của phía bạn để cụ thể hóa hợp tác./.

Bình Nguyên