Giang Thành gồm 5 xã Phú Mỹ, Phú Lợi, Vĩnh Điều, Vĩnh Phú, Tân Khánh Hòa và có đường biên giới với Campuchia hơn 35 km, Cửa khẩu quốc gia Giang Thành và giáp ranh tỉnh An Giang. Diện tích tự nhiên của huyện hơn 41.280 ha, dân số trên 29.300 người, tiềm lực kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.
Bí thư Huyện ủy Giang Thành Ong Văn Ngay cho biết, là huyện biên giới thuần nông, Giang Thành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, bất cập, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất hiện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Mặc dù vậy, huyện nỗ lực thực hiện chương trình và đến nay đạt được hai xã nông thôn mới là Phú Mỹ và Tân Khánh Hòa. Giang Thành phấn đấu đến năm 2025 có 5/5 xã được công nhận xã nông thôn mới, huyện đạt các tiêu chí cơ bản và 2 xã nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, huyện phát triển xã Tân Khánh Hòa trở thành thị trấn thuộc huyện.
Hướng đến đạt huyện nông thôn mới, Giang Thành tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp với hai lĩnh vực tiềm năng, lợi thế là sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản; trong đó, sản lượng lúa đến năm 2025 đạt 360.000 tấn; thủy sản 13.100 tấn gồm tôm nuôi 11.800 tấn trở lên, còn lại là nuôi cua, cá nước lợ, cá nước ngọt…
Phó Chủ tịch UBND huyện Giang Thành Huỳnh Trọng Đức chia sẻ, để đạt mục tiêu giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đến năm 2025 đạt 3.600 tỷ đồng trở lên, huyện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng nhãn hiệu nông sản. Huyện tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và theo định hướng của thị trường; chú trọng chất lượng, giá trị, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm; sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới để nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Hiện Giang Thành xây dựng nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ 4.0 vào trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; xây dựng mối liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp; đồng thời, huy động nguồn lực tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất trên địa bàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Nông dân sản xuất giỏi Ngô Văn Minh, ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ bày tỏ, khi Phú Mỹ được công nhận xã nông thôn mới, người dân rất nông thôn vùng biên phấn khởi vì cuộc sống được cải thiện hơn trước. Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng nhiều tuyến đường giao thông đi lại rất thuận tiện. Bên cạnh đó, Nhà nước đầu tư đường điện thắp sáng, trường học khang trang cho con em học hành, trạm y tế khám và chữa bệnh cho người dân, nước sạch sinh hoạt. Nông dân được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa, nuôi tôm, trồng màu, cây ăn trái, tích cực lao động sản xuất để giảm nghèo, vươn làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng huyện đạt nông thôn mới.
Ông Trần Thảo Hùng, ấp Kinh Mới, xã Phú Mỹ chia sẻ, người dân hưởng ứng xây dựng nông thôn mới rất tích cực, thực hiện tốt các phần việc của hộ gia đình do xã phát động. So với trước đây, kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Ai cũng nỗ lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả để góp phần xây dựng huyện Giang Thành đạt nông thôn mới vào năm 2025, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, huyện biên giới Giang Thành đề ra kế hoạch, huy động tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt 5.000 tỷ đồng trở lên. Qua đó, đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển du lịch - dịch vụ, phát triển đa dạng các ngành thương mại, dịch vụ và khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế của huyện.
Lãnh đạo huyện Giang Thành cho hay, huyện tập trung kêu gọi xã hội hóa đầu tư chợ thương mại khu vực cửa khẩu Giang Thành phục vụ nhu cầu phát triển thương mại vùng biên giới. Huyện phấn đấu đến năm 2025, đầu tư phát triển được chợ nông sản tại khu vực cửa khẩu này, hình thành bến bãi xếp dỡ hàng hóa, nhà kho và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phục vụ lưu thông, vận chuyển, giao thương hàng hóa qua cửa khẩu. Giang Thành chú trọng phát triển mạnh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để tăng nhanh tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế; mời gọi doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án khai thác đất sét và than bùn.
Cùng đó, huyện huy động, tập trung nguồn lực đầu tư một số công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm có tính đột phá, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vừa mời gọi thu hút đầu tư trên địa bàn. Cụ thể là đầu tư xây dựng hoàn thiện đường giao thông Kênh Nông trường; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường chính như: Quốc lộ N1, nâng cấp tải trọng cầu ra Cửa khẩu quốc gia Giang Thành, nâng cấp mở rộng đường HT2, nạo vét kênh Vĩnh Tế, xây dựng công viên hồ nước, mở rộng đường T3… Huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 96% các tuyến đường trên địa bàn, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên.
Tiếp đến, huyện kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn với khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống đan cỏ bàng Phú Mỹ và khai thác một số điểm du lịch khác trên địa bàn biên giới. Huyện đẩy mạnh hoạt động quảng bá, liên kết các tour, tuyến du lịch của huyện với các khu du lịch trong tỉnh như: Hà Tiên, Phú Quốc… và ngoài tỉnh; phát triển và kết nối các mô hình du lịch sinh thái trên địa bàn, tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn phục vụ du khách, thu hút khách du lịch…
Ngoài ra, huyện còn tập trung thực hiện hiệu quả giảm nghèo bền vững như: tạo việc làm cho người lao động, đầu tư phát triển sản xuất, các mô hình kinh tế trang trại, làng nghề và nghề đan đát truyền thống… để tăng thu nhập cho người dân; thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù dành cho địa phương vùng biên giới điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Giang Thành phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4%; thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, công tác biên giới theo chủ trương đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, trong xây dựng huyện nông thôn mới, Giang Thành đầu tư phát triển, nâng xã Tân Khánh Hòa lên thành thị trấn thuộc huyện; phát triển đô thị vùng biên Tân Khánh Hòa đạt các tiêu chí tiêu chuẩn đô thị loại V vào năm 2025./.