Đó là những năm 69 - 70 của thế kỷ trước. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt. Tuy máy bay Mỹ đã thưa dần trên bầu trời, nhưng những người thanh niên trụ cột quê tôi đã đều lên đường có mặt trên chiến trường xa. Chỉ còn lại các chị, các anh trung niên và vài thanh niên đi khám không đủ sức khỏe ở lại. Phong trào "ba đảm đang", "thanh niên xung kích", "Thiếu niên làm theo lời Bác" rầm rộ... các cụ cao niên cũng không hề thua kém. Phong trào "tuổi cao, chí càng cao" tập hợp các cụ tham gia cùng con cháu "đảm nhiệm" những việc vừa sức, vừa tâm.
Chẳng hạn như "xem nước" một công việc rất cần trong nghề nông ở miền núi. Ruộng bậc thang dễ đứt gãy nên phải kiểm tra thường xuyên. Đó là công việc phổ biến và thích hợp với các cụ, vừa nhẹ nhàng, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, đều đặn, đều khắp, trách nhiệm và tất nhiên có công điểm nghĩa là có thu nhập, đặc biệt các cụ vui khỏe. Thôn tôi ngày ấy chia làm bốn đội sản xuất, mỗi đội có một tổ "xem nước", mỗi tổ có từ ba, bốn cụ. Từ đầu vụ cho đến khi lúa chín, nước cho cây lúa do các cụ lo chu toàn. Trừ khi trời mưa to, lũ ống, lũ quét, vỡ mương phai, vỡ gãy bờ ruộng bậc thang lớn thì huy động lực lượng khác hỗ trợ khắc phục kịp thời.
Ngoài việc xem nước, một số cụ tham gia vào tổ "Thủ công", chuyên sửa chữa cày, bừa, cuốc, xẻng... (nói chung là nông cụ) cho cả thôn...vv... Tham gia vào công việc đồng áng, mộc, rèn giúp đỡ con cháu như vậy hình như chưa đủ. Tổ "Lão thành" còn muốn khẳng định vai trò to hơn, lớn hơn... "Ao cá lão thành; trại chăn nuôi dê lão thành; nương ngô lão thành; ruộng lúa lão thành" được các cụ dựng xây góp phần làm ra nhiều sản phẩm giúp con cháu và tăng thu nhập. Những nơi đó hội tụ ý chí, quyết tâm, tinh thần đoàn kết và cũng là nơi giải trí của các cụ. Nhưng xem ra những việc đó chưa thật phù hợp với tuổi tác và sức khỏe và ý muốn của các cụ.
Nơi các cụ làm ao nuôi cá là nơi đất đá cằn khô giữa hai mom đất. Chỉ với cuốc, xẻng... có lẽ gần hai tháng mới hoàn thành. Những năm đầu thật bấp bênh, khoảng chừng bốn năm sau mới thành ao cá và cho thu hoạch. Ngày bắt cá các cụ vui hơn ngày Tết. Nơi các cụ đặt trại nuôi dê, nằm chênh vênh giữa dốc, bãi chăn thả dê cũng thật là đắc địa, chung với bãi chăn thả trâu nhưng có điều dê lăn xuống vực sâu cũng không phải hiếm làm các cụ rất vất vả...
Nơi các cụ chọn trồng ngô là bãi cỏ Mua um tùm, dài rộng đến hàng trăm mét, ở đầu thôn. Các cụ ở cuối thôn ra tra hạt, làm cỏ, gánh ngô về phải mất hàng tiếng đồng hồ. Nơi các cụ làm ruộng là vùng đất nằm giữa hai lũng núi, nước trong vắt nhưng phải khai phá từ bụi cây, trâu vào không nhìn rõ lưng. Vậy mà lúa nếp các cụ làm ra thơm ngon hơn lúa nếp trong thôn...
Ở nơi làm ruộng này, tôi được lên giúp các cụ cày, bừa... Lớn lên tôi rời quê đi vào trường Đại học, hình ảnh các cụ vẫn in trong tôi. Sau này trở về nhiều cụ đã không còn nữa, số còn lại già yếu và ao, trại, ruộng, nương đều không còn của các cụ. Cái tên "Hội lão thành" ở quê tôi cũng không còn ai nhắc đến. Nhưng trong tôi đó là ý chí, là sự cống hiến tuyệt vời của lớp cha, ông ngày trước làm nền móng cho con cháu đời sau.
Nơi các cụ làm ao, nay là cái ao to nuôi cá ra tiền của thằng cháu; Nơi các cụ trồng ngô ngày xưa nay là khu dân cư có đến gần chục nóc nhà; Nơi các cụ chăn nuôi dê giờ vẫn là nơi lựa chọn nuôi dê gia đình mới về định cư cải thiện đời sống, từng bước làm giàu; Nơi các cụ khai hoang trồng lúa nếp ngày xưa nay là nơi con cháu tiếp tục trồng lúa, chăn nuôi vịt, thả cá... Không biết mỗi lần bước chân vào nhà, xuống ao, thả dê, ngồi uống rượu nơi nhà sàn trong thung núi có nguồn nước trong vắt có nhớ đến các cụ trong Hội Lão thành ngày xưa không!
Những người cao tuổi bây giờ đã khác xưa rồi. Những nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, áo mặc, chăm sóc sức khỏe đều thuận lợi. Đất nước thanh bình, người no ấm, người cao tuổi được xã hội chăm lo, xứng đáng là chỗ dựa cho con cháu. Nhớ các cụ trong hội "Lão thành" năm xưa, nhớ về những người đã cống hiến sức lực, trí tuệ, chuyền cảm hứng về ý chí cho thế hệ cháu con tạo nên quê hương nhỏ bé và tươi đẹp ngày nay./.