Sáng 15/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Nghị quyết nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các chính sách phải ưu đãi vượt trội để tháo gỡ, giúp những việc lớn chuyển động sẽ tác động đến các hoạt động khác thay đổi theo. Với tinh thần đổi mới sáng tạo, sẽ giúp Việt Nam thực hiện khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công với hạ tầng số phát triển tiên tiến, công nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển, hiện thực hóa mục tiêu tăng trường kinh tế từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.
Chính phủ cho rằng trong bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đóng vai trò then chốt cho sự phát triển kinh tế xã hội, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết. Nghị quyết của Quốc hội sẽ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ hóa các quy định pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chính phủ đề xuất giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; ưu đãi thuế cho khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
Khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Chính phủ đề xuất sử dụng ngân sách trung ương để thực hiện đầu tư xây dựng, duy trì, vận hành, bảo trì nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử, hệ thống thông tin quy mô quốc gia, quy mô vùng để sử dụng chung cho các cơ quan, tổ chức.
"Tự chủ về tài chính không nên được hiểu là tự bảo đảm về tài chính hay tự cung, tự cấp trong khoa học công nghệ, dẫn tới cắt giảm tối đa ngân sách nhà nước", theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Dự thảo bổ sung quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Họ không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu xảy ra tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí.
Nghị quyết này cũng thí điểm cơ chế để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy khẳng định, Ủy ban tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để ban hành Nghị quyết.
Về quan điểm ban hành, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, việc ban hành các chính sách thí điểm cần dựa trên các quan điểm chủ yếu: Thể chế hóa những vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW; Đã chín, đã rõ, có tính khả thi, hạn chế văn bản hướng dẫn để thi hành được ngay; những chính sách chưa thực sự cấp bách, cần nghiên cứu đánh giá thêm, cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể thì sẽ được xem xét, đưa vào các dự thảo luật sẽ xem xét, sửa đổi trong năm 2025; Vượt trội, phát huy tác dụng ngay, khơi thông mọi nguồn lực, có sức lan tỏa, góp phần kịp thời vào tăng trưởng kinh tế; Có trọng tâm, trọng điểm; là vấn đề thực sự vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ; chưa có luật điều chỉnh hoặc cần quy định khác với luật hiện hành; Đúng thẩm quyền của Quốc hội; thời gian thí điểm rõ ràng, cụ thể. Đề nghị hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo quan điểm nêu trên; tuân thủ đúng, đầy đủ Quy định 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và tên gọi của Nghị quyết, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; có ý kiến đề nghị thu hẹp phạm vi điều chỉnh; có ý kiến đề nghị tập trung 03 nhóm chính sách: cơ chế quỹ, thương mại hóa và đầu tư mạo hiểm. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trực tiếp liên quan đến nhà khoa học; bổ sung quy định huy động, sử dụng nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, ngoài khu vực công; bổ sung quy định áp dụng cơ chế tự chủ (Điều 4) và cơ chế thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả khoa học (Điều 5) đối với trung tâm ĐMST công lập.
Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa tên gọi của Nghị quyết để thể hiện cơ chế, chính sách có tính chất đột phá, đặc thù, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về KHCN, ĐMST&CĐSQG, bám sát tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Ủy ban KH,CN&MT đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội và Chính phủ. Theo đó, đối với Quốc hội: Xem xét, quyết định việc ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Kỳ họp bất thường thứ 9.
Đối với Chính phủ, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ báo cáo và xin ý kiến cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách cụ thể theo quy định; chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khi được ban hành, đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thi hành (nếu có).
Ủy ban KH,CN&MT đề xuất một số nội dung trọng tâm để thảo luận, xin ý kiến đại biểu Quốc hội như: Cơ sở pháp lý ban hành Nghị quyết; Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và tên gọi của Nghị quyết; Sự phù hợp và tính khả thi của các cơ chế, chính sách cụ thể trong dự thảo Nghị quyết; Về thời điểm có hiệu lực và thời gian thí điểm của Nghị quyết; Các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm./.