Sáng 22/06, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn trông thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Năm nay toàn thành phố có hơn 108 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có hơn 4 nghìn 500 thí sinh tự do. Thành phố đã bố trí 196 điểm thi với trên 4 nghìn 500 phòng thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
"Ba chủ động" "Bốn đúng" "Ba không" để kỳ thi diễn ra thành công
Với số thí sinh dự thi bằng 1/10 thí sinh của cả nước, các nội dung về quy chế, quy định, chuẩn bị cơ sở vật chất, công tác coi thi, giám sát, phòng ngừa gian lận thi cử được Hội nghị đặc biệt chú trọng.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, mỗi điểm thi đều được bố trí 2 phòng thi dự phòng để sử dụng khi cần thiết. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất tại các điểm thi đã được hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ thi.
"Với quy mô như vậy, Sở Giáo dục – Đào tạo đã điều động 15.115 cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia coi thi tại các điểm thi, 600 giáo viên tham gia chấm thi và các lực lượng khác, chúng tôi ước tính khoảng trên dưới 18.000 lực lượng tham gia làm công tác coi thi và chấm thi. Nét mới năm nay là Sở Giáo dục- Đào tạo quyết định huy động một số trường tư thục và các trường hiệp quản, cùng với 30 trung tâm giáo dục thường xuyên tham gia coi thi", ông Cương nói.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đặc biệt lưu ý các trưởng điểm thi triển khai tập huấn nghiêm túc, đầy đủ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nắm vững các quy định, quy chế thi, đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh.
Nhấn mạnh tới những tình huống bất thường có thể xảy ra trong kỳ thi, ông Trần Thế Cương yêu cầu phụ trách các điểm thi không được lơ là, chủ quan, các cán bộ cần nêu cao trách nhiệm trong mỗi khâu, mỗi công đoạn, thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần 3 chủ động, 4 đúng và 3 không.
Trong đó, "3 chủ động" gồm: chủ động công tác thông tin tuyên truyền với phụ huynh, thí sinh, dư luận xã hội; chủ động đề xuất chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi; chủ động thông tin báo cáo và xử lý thông tin.
"Bốn đúng" gồm: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường.
"Ba không" gồm: không lơ là chủ quan, không tự ý xử lý các tình huống bất thường và không gây căng thẳng quá mức.
Phòng chống gian lận trong thi cử qua việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao
Tại hội nghị, cùng với hướng dẫn chi tiết các đơn vị mọi khâu trong tổ chức thi, đại diện đơn vị chức năng của Công an thành phố Hà Nội đã hướng dẫn về công tác phòng chống gian lận trong thi cử qua việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao.
Thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong các kỳ thi vẫn luôn xảy ra tình trạng thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi. Gần đây nhất, tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của thành phố Hà Nội vẫn có 2 thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi. Vì vậy, các điểm thi cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và quán triệt cho thí sinh thật kỹ về quy chế thi để thí sinh hiểu và thực hiện đúng quy định.
"Cần coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục và quán triệt cho thí sinh về các quy định trong bảo vệ đề thi về các quy định bảo vệ bí mật nhà nước, và các hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Tuyên truyền phổ biến, quán triệt cho thí sinh là không được mang điện thoại di động thông minh hoặc là các thiết bị công nghệ cao vào trong phòng thi. Vấn đề này phải liên tục quán triệt cho thí sinh và không bao giờ được coi nhẹ. Nếu mình quán triệt, nhắc nhở được 1 thí sinh không mang điện thoại vào là bớt đi được 1 người có khả năng vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến tương lai của cháu", Thượng tá Ngô Xuân Hải chia sẻ.
Bên cạnh đó, các cán bộ coi thi cần nhắc nhở thí sinh đề thi là tài liệu bí mật nhà nước độ “tối mật”, nếu cố tình sao chụp, phát tán sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, khi phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị gian lận, trưởng điểm thi cần lập biên bản và báo cáo ngay cho lực lượng công an để kịp thời truy xét, khẩn trương ngăn chặn việc phát tán ra bên ngoài, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kỳ thi.
Một số phương pháp phát hiện hoạt động sử dụng phương tiện kỹ thuật để thực hiện hành vi gian lận thi cử cũng được Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ (Công an thành phố Hà Nội) triển khai tới các trưởng điểm thi.
Trong đó, các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ để gian lận trong thi cử không chỉ diễn ra với thí sinh mà còn diễn ra với cả giáo viên và phụ huynh. Bên cạnh đó, việc quan sát, nhận biết thái độ, hành vi bất thường của thí sinh cũng cần được các cán bộ coi thi chú trọng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn gian lận...
Về công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Đoàn Thị Kiều Oanh cho biết, qua kiểm tra, hiện hầu hết các điểm thi đã chuẩn bị đầy đủ các phương án, phương tiện chu đáo, kỹ lưỡng, chỉ còn một số điểm chưa hoàn thành lắp đặt camera, thiếu tủ đựng bài thi. Tuy nhiên, các điểm thi này đã cam kết sẽ hoàn thiện các khâu vào ngày 24/6.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra, đảm bảo tất cả 196 điểm thi hoàn thành các điều kiện, sẵn sàng tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy định.
Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 diễn ra trong hai ngày (27 và 28/6) với 5 bài thi gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Thí sinh được chọn một trong hai bài thi tổ hợp.
Đây là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, kết quả của kỳ thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh, vừa được các trường đại học sử dụng để tuyển sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị, các điểm thi và các đơn vị chức năng cùng nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng chức trách được giao để tổ chức kỳ thi tốt nhất. Với số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước, số cán bộ, giáo viên và các lực lượng được huy động tham gia tổ chức thi, chấm thi cũng rất lớn nên các điểm thi cần nghiêm túc tập huấn kỹ về quy chế thi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi để hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót; quán triệt cho thí sinh về quy chế phòng thi và tạo các điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi./.