Hà Giang đã ký kết hợp tác xây dựng thoả thuận khung hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng. Ký kết hợp tác phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc... Tuy nhiên, việc tiến hành ký kết các biên bản hợp tác với một số tỉnh lân cận và trong khu vực về phát triển du lịch mới triển khai nội dung hợp tác được một phần rất nhỏ, chưa khai thác hết thế mạnh của từng vùng.
Hợp tác quốc tế: Hà Giang đã ký kết các biên bản hợp tác phát triển du lịch với Cục Du lịch Châu Văn Sơn, Cục Du lịch tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. 3 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn cùng với Cục Du lịch Vân Nam ký kết hợp tác phát triển du lịch khai thác lòng hồ thủy điện Na Hang, tạo điều kiện phát triển tuyến du lịch nối giữa Việt Nam với Malipho, Châu Văn Sơn, Côn Minh - Trung Quốc. Hà Giang mới ký kết giao lưu hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Hiện nay Hà Giang chưa có thoả thuận hợp tác phát triển về du lịch với các nước khác trong khu vực. Đây là một trong những điểm yếu trong việc khai thác khách du lịch của Hà Giang.
Lực lượng lao động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng lao động nghiệp vụ và đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh du lịch vừa thiếu, vừa yếu, không theo kịp nhu cầu đòi hỏi hiện nay. Trình độ ngoại ngữ nói chung còn thấp, đặc biệt những năm gần đây, thị trường khách du lịch các nước Mỹ, Đức, Pháp, Nhật... tăng cao nhưng cán bộ quản lý và nhân viên thành thạo các thứ tiếng đó tại các cơ sở lưu trú, các khu điểm du lịch và công ty lữ hành lại rất thiếu và yếu, không đáp ứng yêu cầu trong hoạt động phục vụ du khách.
Công tác quản lý, phát triển nguồn nhân lực làm du lịch còn gặp nhiều lúng túng, việc thực hiện các tiêu chuẩn về trình độ lao động theo quy định trong thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú chưa thật nghiêm túc. Một số nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp du lịch chưa quan tâm đúng mức đến đào tạo chuyên môn cho lao động hiện có mà chủ yếu thu hút lao động có trình độ, kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khác bằng cơ chế tiền lương, hoặc tuyển nhân viên theo mùa vụ hoặc sử dụng lao động chưa qua đào tạo, sau đó huấn luyện tại chỗ, chủ cơ sở kiêm luôn quản lý điều hành nhằm giảm chi phí tiền lương là khá phổ biến ở các cơ sở lưu trú du lịch quy mô nhỏ.
Bên cạnh đó, số lao động đã được đào tạo theo chương trình của tỉnh khi về địa phương cũng không quan tâm bố trí công việc phù hợp hoặc không sử dụng như các huyện Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xí Mần, Bắc Quang. Công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch của được chú trọng quan tâm, lao động chuyên ngành du lịch ở tỉnh từng bước được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ với nhiều hình thức.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành về du lịch. Hiện chỉ có trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang mở một lớp đào tạo chuyên ngành về văn hoá du lịch với số lượng đào tạo là 45 người, nhưng trong quá trình học học sinh chưa được tiếp cận với thực tế nhiều. Lực lượng giáo viên dạy tại trường chủ yếu là thuê từ các trường cao đẳng du lịch ở Hà Nội hoặc một số tỉnh thành khác.
Tuy nhiên, số lượng lao động được đào tạo về chuyên ngành du lịch ở tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng còn thấp, chưa theo kịp yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển du lịch với vai trò một ngành kinh tế trọng điểm. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo chưa phù hợp dẫn đến một bộ phận học viên ra trường không kiếm được việc làm, làm việc trái với chuyên môn đào tạo hoặc làm việc nhưng không tâm huyết với nghề.
Nguyên nhân các hạn chế trên là do lĩnh vực du lịch ở tỉnh còn nhiều mới mẻ, kinh nghiệm trong công tác đào tạo chưa nhiều. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo còn thiếu thốn. Chương trình đào tạo nặng về lý thuyết, giáo trình giảng dạy còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tiễn hoạt động kinh doanh. Các cơ sở kinh doanh du lịch cũng chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên đi học với lý do bận vào công việc của cơ sở.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 46 làng đã và đang được triển khai xây dựng làng văn hoá du lịch cộng đồng, trong đó 29 làng đã được ra mắt chính thức, 17 làng vẫn đang được đầu tư xây dựng. Các làng đã ra mắt đa số là làng của dân tộc Dao, Tày (13 làng), Mông (6 làng) còn lại là làng của các dân tộc khác. Nhìn chung qua quá trình triển khai xây dựng làng du lịch cộng đồng đã đem lại diện mạo mới và làm thay đổi bộ mặt nông thôn một cách rõ rệt, theo hướng tích cực.
Một số làng văn hoá du lịch cộng đồng được xây dựng và đi vào hoạt động tại các địa phương bước đầu mang lại hiệu quả. Thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và ngoài nước đến tham quan lưu trú. Khách đến tham quan và tiêu dùng dịch vụ của địa phương đã đem lại thu nhập dù còn ít ỏi nhưng cũng là nguồn động viên khích lệ ban đầu cho những người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng như: Thôn Tiến Thắng, thôn Tha, Bản Tùy (thành phố Hà Giang), thôn Lùng Tao (Vị Xuyên), Thôn Nậm An (Bắc Quang), thôn My Bắc, thôn Chì (Quang Bình), Làng Giang - Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), Nấm Dẩn (Xín Mần), Bản Lạn (Bắc Mê), Nặm Đăm (Quản Bạ), thôn Bục Bản (Yên Minh), thôn Lũng Cẩm Trên, Lô Lô Chải (Đồng Văn), Sảng Pả A (Mèo Vạc)...
Các làng đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch của tỉnh. Trong một số làng văn hoá du lịch cộng đồng đã ra mắt và đang xây dựng, phần nhiều các làng hoạt động không hiệu quả, có những làng không có khách du lịch đến tham quan. Công tác lựa chọn và đầu tư xây dựng làng du lịch cộng đồng chưa có sự đồng bộ, các hạng mục đầu tư còn thiếu chọn lọc, không đảm bảo các điều kiện phục vụ, thu hút khách; tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch còn hạn chế như vị trí, cảnh quan, cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, văn hoá truyền thống... Làng, bản du lịch hiện nay đang hấp dẫn bằng sự tự nhiên và tự phát của nó.
Hầu hết các sản phẩm du lịch tại các làng, bản còn đơn điệu, trùng lặp, thường chỉ tập trung vào một số sản phẩm chính là hoạt động tham quan và phục vụ ăn uống trong cộng đồng, việc khai thác nguồn tài nguyên văn hoá truyền thống biến chúng thành sản phẩm du lịch chưa được chú trọng và quan tâm, khai thác đúng mức./.