Thông tin từ tọa đàm “Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu và bảo vệ người trồng sâm Việt Nam", hiện ở Việt Nam có hai vùng trồng sâm có giá trị tại Việt Nam là vùng sâm Ngọc Linh trồng tại Quảng Nam, Kon Tum và vùng trồng sâm tại tỉnh Lai Châu. Trong đó, loại sâm Ngọc Linh đặc hữu ở Quảng Nam và Kon Tum có hàm lượng saponin vượt trội các loại sâm nổi tiếng trên thế giới.
Tại vùng sâm Lai Châu, chủ yếu đang ở giai đoạn nhân giống, chưa có sản lượng lớn bán ra thị trường. Nhưng thời gian qua, trên thị trường xuất hiện những thương nhân buôn bán "sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu" với mức giá rẻ hơn sâm chính gốc vài chục lần. Giá sâm Ngọc Linh chính gốc loại 1 lên đến hơn 300 triệu đồng/kg, sâm Lai Châu cũng có giá trên 120 triệu đồng/kg. Còn trên thị trường trôi nổi, loại sâm mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu có mức giá chỉ vài triệu đồng/kg.
Cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện tình trạng nhập lậu sâm không rõ nguồn gốc từ nước ngoài, trà trộn rồi mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu. Khi kiểm nghiệm sâm không rõ nguồn gốc từ nước ngoài, có những mẫu phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp nhiều lần cho phép. Trong đó, có cả hoạt chất bảo vệ thực vật đã cấm ở Việt Nam.
Việc này không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ, ảnh hưởng tới thương hiệu mà những người trồng sâm ở Việt Nam, đặc biệt là nông dân, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tiền của vào lĩnh vực này có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề từ sâm lậu, thậm chí có thể dẫn tới phá sản.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), các cơ quan chức năng cần có những biện pháp bảo vệ sâm trồng trong nước, tuyên truyền cách phân biệt các loại sâm để người dân nhận diện rõ hơn. Đồng thời, đề xuất các bộ ngành vào cuộc quyết liệt đối với các cá nhân, tổ chức nhập lậu sâm Việt Nam. Nếu doanh nghiệp chế biến thì phải chứng minh được hóa đơn, từ đó có thể truy ra để đấu tranh, chống việc mua bán sâm giả trên thị trường. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước cần nghiên cứu nuôi cấy mô, sản xuất hàng loạt để nâng cao năng suất.