Giá dầu thế giới chốt phiên 3/12 gần như không đổi sau khi để mất đà tăng do những lo ngại sự gia tăng số ca mắc COVD-19 và biến thể mới có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Vào đầu phiên, giá dầu tăng hơn 2 USD sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, cho biết có thể xem xét lại chính sách tăng sản lượng nếu các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch làm giảm nhu cầu. Khi chốt phiên, giá dầu Brent tăng 21 xu Mỹ, hay 0,3%, lên mức 69,88 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 24 xu Mỹ, hay 0,4%, xuống 66,26 USD/thùng.
Ngày 2/12, OPEC+ đã nhất trí duy trì chính sách xuất khẩu dầu mỏ hiện nay trong tháng 1/2022, dù có những ý kiến cho rằng tổ chức này sẽ hạn chế nguồn cung do quan ngại về biến thể Omicron và việc Mỹ mở kho dầu dự trữ chiến lược. Theo thỏa thuận, 23 thành viên OPEC+ sẽ điều chỉnh tăng tổng sản lượng dầu thô mỗi tháng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022. Điều này cho thấy OPEC+ sẽ vẫn tiếp tục chính sách dầu mỏ mà tổ chức này đã thực hiện từ tháng Năm vừa qua.
Tuy nhiên, OPEC+ để ngỏ khả năng điều chỉnh chính sách nếu nhu cầu bị ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát sự lây lan của biến thể Omicron. Nhóm này có thể họp trở lại sớm hơn dự kiến là vào ngày 4/1 tới. Trong khi đó, các công ty khai thác dầu mỏ của Mỹ duy trì số lượng giàn khoan không đổi trong tuần này, sau khi tăng năm tuần liên tiếp trước đó, lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Các thị trường toàn cầu không cho rằng nguồn cung dầu từ Iran sẽ tăng trong tương lai gần.
Ngày 2/12, giá dầu trải qua phiên giao dịch đầy biến động với biên độ dao động lên tới 5 USD, giữa bối cảnh các nhà sản xuất dầu mỏ gây bất ngờ cho thị trường với thông báo tiếp tục kế hoạch tăng dần sản lượng. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 80 xu Mỹ (1,2%) lên 69,67 USD/thùng sau khi có lúc rơi xuống mức thấp 65,72 USD/thùng trong cùng phiên, còn giá dầu WTI tăng 93 xu Mỹ (1,4%) lên 66,50 USD/thùng, sau khi có lúc giảm xuống 62,43 USD/thùng trong phiên này.
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch 1/12 do các nhà giao dịch lo ngại về nhu cầu nhiên liệu trong bối cảnh xuất hiện biến thể Omicron mới. Trong phiên giao dịch này, giá dầu WTI giao tháng 1/2022 giảm 61 xu Mỹ xuống 65,57 USD/thùng, tiá dầu Brent giao cùng kỳ hạn cũng giảm 36 xu Mỹ xuống 68,87 USD/thùng.
Giá dầu giảm trong phiên cuối cùng của tháng 11 (30/11) sau khi Giám đốc điều hành hãng dược Moderna cảnh báo về hiệu quả của các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có đối với biến thể Omicron, tác động đến các thị trường tài chính và làm gia tăng lo ngại về nhu cầu dầu. Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,87 USD (3,9%) xuống 70,57 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp trong phiên là 70,22 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Giá dầu WTI giảm 3,77 USD (5,4%) xuống 66,18 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021 trong phiên là 64,43 USD/thùng.
Giá dầu thế giới phục hồi trong phiên 29/11, khi các nhà đầu tư cho rằng sự lao dốc của thị trường vào cuối tuần trước đó là quá mức khi vẫn không có đủ dữ liệu về biến thể Omicron. Đầu phiên này, giá dầu Brent đã có lúc vượt ngưỡng 77 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI chạm mức cao trên 72 USD/ounce trong phiên. Tuy nhiên, giá cả hai loại dầu chuẩn nói trên đều rời khỏi các mốc cao này vào cuối phiên. Chốt phiên, giá dầu Brent giao kỳ hạn đứng ở mức 73,44 USD/thùng, tăng 72 xu Mỹ (hay 1%). Giá dầu WTI tăng 1,8 USD (tương đương 2,6%) lên chốt phiên ở mức 69,95 USD/thùng./.