GFANZ: Các nước cần nhanh chóng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh

Liên minh Tài chính Glasgow vì phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thông qua các chính sách rõ ràng, đáng tin cậy và tham vọng. 
hang-loat-tham-hoa-moi-truong-10-1634003731.jpg
GFANZ kêu gọi chính phủ các nước đặt ra mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế trung hòa khí thải. Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp ngày 11/10 dưới sự chủ trì của đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) Mark Carney, Liên minh Tài chính Glasgow vì phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thông qua các chính sách rõ ràng, đáng tin cậy và tham vọng.

Theo GFANZ - liên minh các thể chế tài chính sở hữu khối tài sản hàng chục nghìn tỷ USD, nếu được các nước thực hiện đồng bộ, các chính sách chống biến đổi khí hậu sẽ giúp cấu trúc lại hệ thống tài chính toàn cầu, qua đó thúc đẩy sự chuyển đổi của thế giới sang nền kinh tế phát thải carbon thấp.

GFANZ kêu gọi chính phủ các nước đặt ra mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế trung hòa khí thải, phù hợp với mục tiêu đến năm 2050 kiềm chế mức tăng của nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ra, GFANZ cũng kêu gọi xây dựng các quy định tài chính rõ ràng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế, xóa bỏ chính sách trợ cấp ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch và định giá khí thải carbon. Ngoài ra, đến năm 2024, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cũng cần phải công bố kế hoạch chuyển đổi nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải.

Thêm vào đó, GFANZ cho rằng cần đầu tư hàng nghìn tỷ USD thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi. Các chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi này.

GFANZ đưa ra lời kêu gọi trên khi còn nửa tháng nước sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Vương quốc Anh. Hội nghị quy tụ các đại diện đến từ 196 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU), được kỳ vọng sẽ thống nhất được các mục tiêu tham vọng về giảm khí thải cũng như thúc đẩy hành động nhanh chóng nhằm thực hiện các mục tiêu đó để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu - nguyên nhân làm gia tăng thiên tai như bão lũ, hạn hán, cháy rừng..../.

TTXVN