Dư địa lớn phát triển thị trường bất động sản Tây Nam Bộ

Thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đang trở thành điểm thu hút nhà đầu tư trong, ngoài nước khi những thông tin tích cực về hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai mạnh mẽ.
tay-nam-bo-1708856038.jpg
Nhiều dư địa để phát triển thị trường bất động sản Tây Nam Bộ. Ảnh minh họa

Tây Nam Bộ là vùng đất trù phú, phát triển mạnh mẽ về giao thương kinh tế trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Tây Nam Bộ đang là tâm điểm trên cả nước về thu hút đầu tư công, được đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia về đường hàng không, cao tốc đường bộ, đường thủy, đường biển, đường sắt… Dự kiến đến năm 2025, toàn vùng sẽ có 550 km đường cao tốc. Trong đó, 02 tuyến cao tốc trọng điểm của vùng là tuyến cao tốc TP.HCM - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đón đầu cơ hội phát triển của vùng, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tích cực rót vốn đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cao ốc văn phòng, các khu nghỉ dưỡng, trường học, trung tâm thương mại… Bên cạnh đó, quy hoạch các tỉnh trong vùng đến nay đều được phê duyệt là nền tảng để các tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư phát huy lợi thế; đồng thời, tạo nên cú hích cho thị trường bất động sản của vùng có nhiều tiềm năng phát triển.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường bất động sản Tây Nam Bộ, tại Tọa đàm Bất động sản Tây Nam Bộ năm 2024 “Đón cơ hội trong vận hội mới” mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá khu vực Tây Nam Bộ là vùng có tiềm năng lớn khi sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu. Nơi đây không chỉ phát huy năng lực tăng trưởng nông nghiệp, xuất khẩu thủy hải sản mà còn thu hút mạnh dòng vốn FDI lĩnh vực công nghiệp, năng lượng sạch, logistics...

Ngoài ra, các tỉnh, thành trong vùng còn trở thành động lực tăng cường kết nối thông thương nội vùng, giữa vùng với TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ và cả nước. Đây là cơ hội cho vùng nâng cao chất lượng sống của người dân, vừa là cơ hội cho các chủ đầu tư về phát triển các dự án bất động Tây Nam Bộ đáp ứng nhu cầu ở cho người dân.

Theo đó, Chủ tịch VARS cho rằng thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đang trở thành điểm thu hút nhà đầu tư trong, ngoài nước khi những thông tin tích cực về hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh đó, giá bất động sản khu vực lại đang rất thấp, hơn hết lại có nhiều “đại bàng” đang ẩn mình. Khi đầu tư công, hệ thống cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh sẽ thúc đẩy những yếu tố có sẵn của khu vực phát triển.

bds-tay-nam-bo-1708856039.jpg
Tọa đàm Bất động sản Tây Nam Bộ năm 2024 “Đón cơ hội trong vận hội mới”. Ảnh: VARS

Đồng quan điểm, ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ, cho rằng đến cuối năm 2023, sóng gió của thị trường bất động sản Việt Nam đang dần khép lại, xuất hiện những điểm sáng, tạo bước đệm cho thị trường có khởi sắc trong những năm sắp tới. Như việc 4 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, việc sửa đổi 3 luật lớn bao gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến thị trường địa ốc.

Theo Báo cáo Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ: Tổng lượng giao dịch bất động sản tại thành phố Cần Thơ năm 2023 đạt 7.155 giao dịch, giảm 20% so với năm 2022 (Do khan hiếm nguồn sản phẩm mới và ảnh hưởng bởi tình hình thị trường). Tuy nhiên, xét tới quý IV/2023, lượng giao dịch tăng 8% so với quý III/2023, cho thấy những tín hiệu tích cực của thị trường.

Khu vực Tây Nam bộ là một trong những địa phương được hưởng lợi từ các yếu tố tích cực của thị trường bất động sản, đặc biệt là khi Tây Nam bộ là một trong những vùng có hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm được hoàn thành và khởi công trong giai đoạn 2023-2025. Do đó, bất động sản Tây Nam bộ đang có nhiều cơ hội để “cất cánh” trong vận hội phát triển của bất động sản thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, đánh giá cao tiềm năng thị trường bất động sản năm 2024, theo TS. Cấn Văn Lực, sắp tới nhiều chính sách thay đổi theo hướng có lợi cho thị trường bất động sản. Trong đó, các chính sách tác động mạnh đến xây dựng, thị trường bất động sản như: Ngân hàng, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), tăng tính công khai, minh bạch về thông tin dự án bất động sản, giúp người mua có khả năng tiếp cận thêm nhiều thông tin hơn.

Đặc biệt, Luật sửa đổi quy định rõ các thông tin phải được cập nhật khi có sự thay đổi sẽ ràng buộc thêm trách nhiệm của chủ đầu tư, tăng khả năng bảo vệ người mua; giảm rủi ro tranh chấp… Mở rộng quyền kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam. Cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được kinh doanh bất động sản theo các hình thức tương đồng với công dân Việt Nam ở trong nước…TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để phát triển thị trường bất động sản, tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng đưa ra lời khuyên đối với các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, cần đa dạng hóa, tái cơ cấu, góp ý chính sách, chuẩn bị nguồn lực thực thi pháp luật mới; quan tâm quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, xanh hóa, số hóa; hướng đến minh bạch, chuyên nghiệp hơn./.

Hương Lan