Trong đông y, vị thuốc thăng ma có vị ngọt, cay, tính hơi hàn đi vào kinh phế, tỳ, vị và đại trường. Người dân dùng vị thuốc này để thanh nhiệt giải độc và cực kỳ bổ cho nam giới giúp thăng dương cử hãm.
Cây Thăng ma là cây thân thảo, thường sống lâu năm với chiều cao từ 1-1,3m. Lá thăng ma dạng kép, hình lông chim, lá chét thuôn có răng cưa và đầu lá nhọn. Hoa thăng ma mọc thành chùm, hoa màu trắng, có cuống. Cây Thăng ma mọc nhiều nhất ở miền núi thuộc các tỉnh: Thiểm Tây, Tứ Xuyên và các vùng đông bắc Trung Quốc và phía bắc Việt nam.
Cây Thăng ma và dược liệu chữa bệnh
Củ - thân rễ chính là bộ phận được dùng để làm thuốc. Củ thăng ma có hình dài, phân nhiều nhánh thành đốt, chiều dài 20-30cm, đường kính 1,6-3,3cm. Vỏ bên ngoài thường có màu nâu đen, mặt nhám, có nhiều vân hoa như màng võng.
Xung quanh củ có các rễ nhỏ, cứng. Rễ thăng ma nhẹ nhưng lại rất cứng, khó bẻ, vết bẻ thường không thẳng, có tính sợi. Bên trong có màu trắng vàng nhạt hoặc màu vàng nhạt, không mùi và khi nếm có vị hơi đắng, chát. Thu hái: Vào mùa xuân, thu. Khi đào hái về, người ta sẽ cắt bỏ thân mầm, phơi hoặc sấy khô.
Bào chế dược liệu Thăng ma
Theo kinh nghiệm dân gian Việt Nam: người dân mang đi rửa sạch, ủ mềm, thái lát mỏng phơi khô (hoặc có thể dùng sống); có khi tẩm rượu dùng.
Thành phần hóa học theo nghiên cứu hiện đại
Thành phần hóa học: salicylic acid, caffeic acid, Cimicifugine, ferulic acid, tannin…
Tác dụng dược lý của thăng ma
- Nước chiết từ Thăng ma có tác dụng hạ nhiệt, dùng giảm đau, chống viêm, chống triệu chứng co giật, giải độc.
- Dịch chiết từ thân củ thăng ma có tác dụng ức chế tim, giúp làm chậm nhịp tim, hạ được huyết áp.
Dược liệu thăng ma thường được dùng để chống khuẩn lao, cầu chùm sắc vàng kim, cầu khuẩn… Chất chiết từ cây thăng ma giúp chống viêm, giảm đau, ức chế tụ tập và phóng thích tiểu cầu cực kỳ hiệu quả.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây Thăng ma
Chữa đau đầu, chứng khí hư nhược hoặc khí hư hạ hãm: Liều dùng: 3 -10g cây thăng ma sắc uống hàng ngày.
Trị nhiệt miệng, lưỡi có nhọt, ban sởi không mọc được: Thăng ma 4g, sinh địa 1,5g; quy thân 1,5g; mẫu đơn bì 2g, hoàng liên 1,5g. Các vị trên mang đi nghiền thành bột hoặc có thể hãm hay sắc uống.
Trị sởi mới chớm: Thăng ma 4g, cát căn 12g, cam thảo 2g, xích thược 6g. Sắc uống.
Trị quai bị từ Thăng ma: Thăng ma 8g, ngưu bàng 12g, cát căn 12g, thạch cao 16g, liên kiều 8g, thiên hoa phấn 8g, cát cánh 8g, sài hồ 6g, hoàng cầm 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trị sa tử cung, sa trực tràng: Thăng ma 12g, quả mộc thông 2 lá (hoặc thân rễ) 200g, ích mẫu thảo 80g, gà mái tơ 1 con. Gà đem đi làm sạch, cho thuốc vào bụng gà, rồi hầm cách thủy; chia ăn nhiều lần. Cách tuần có thể ăn 1 con.
Trị đột nhiên bị mụn nhọt, đau: Thăng ma, mài với giấm bôi trực tiếp lên vùng mụn nhọt đang sưng.
Trị đầu đau, sốt, tay chân bứt rứt, đau nhức khó chịu trong người: 400g mỗi vị: Thăng ma, Chích thảo, Bạch thược, Cát căn 600g. Tán bột. Mỗi lần sử dụng 12g, sắc với 1,5 chén nước còn 1 chén, phần bã thì bỏ, còn dùng nước sắc uống khi còn nóng, ngày 2-3 lần.
Bài thuốc trị chân răng sưng đau, chảy máu, nóng dạ dày: Sinh địa 1g, hoàng liên 1g, thăng ma 4g, đơn bì 2g và quy thân 1g. Cho các vị vào ấm + lượng nước vừa phải và sắc uống trong ngày.
Bài thuốc trị chứng u vú và vú sưng đau ở phụ nữ: Qua lâu nhân 12g, thăng ma 8g, 8g cam thảo, thanh bì 8g. Sắc uống khi còn nóng.
Bài thuốc trị cấm khẩu: Liên nhục (bỏ tim sen và sao vàng hơi cháy) dùng 30 hạt, thăng ma (nên mang đi sao qua với giấm) 4g và nhân sâm 12g. Đem dược liệu sắc với 1 chén nước, cho tới khi còn lại khoảng ½ chén, uống khi còn nóng.
Bài thuốc trị thương hàn: Độc tất 40g, thường sơn 40g và thăng ma 40g mang đi tán thành bột mịn. Sau đó dùng 16g sắc với nước. Uống nước sắc uống khi đói, nếu bị ói khi uống thì nên uống bổ sung lại ngay.
Bài thuốc trị đau răng và nhiễm trùng họng cấp tính: Dùng thăng ma 6g. Sắc đặc và ngậm trong miệng khi nước còn ấm.
Bài thuốc trị cổ họng lở loét và miệng nổi nhiệt: Chuẩn bị: 5g mỗi loại sau: Đại thành, hoàng bá và thăng ma. Sắc đặc và ngậm trong miệng cho tới khi nguội thì nuốt chậm.
Cây Thăng ma là một trong những dược liệu quý được sử dụng trong nhiều bài thuốc từ y học cổ truyền. Nhưng không thể sử dụng tùy tiện vì có thể gây ra những tác dụng tiêu cực đối với sức khỏe người bệnh. Chính vì vậy người bên nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng kết hợp với các loại thuốc điều trị bệnh khác./.