Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát cụ thể quy mô, tình hình sản xuất, chế biến các loại nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh; thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình sản lượng, giá cả các loại nông sản theo từng thời điểm để có kế hoạch hỗ trợ kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Tỉnh cùng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương theo dõi, cập nhật thông tin tình hình tiêu thụ nông sản (đặc biệt đối với thanh long), tình trạng ùn ứ, tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để cung cấp kịp thời cho người dân, doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Mặt khác triển khai các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch, nhất là thanh long; ưu tiên hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản.
Cùng đó tỉnh cũng yêu cầu đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa, tập trung, bền vững đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu, tiêu thụ và chế biến; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thu mua, đóng gói, vận chuyển thanh long tuân thủ đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc cập nhật kịp thời thông tin để cung cấp cho doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả; điều tiết lượng hàng lên cửa khẩu phù hợp với năng lực và tiến độ thông quan; đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh, thành trong nước; tập trung vào các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị trong nước.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản cần chủ động kiểm soát tốt chất lượng an toàn thực phẩm. Thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi, mã số nhà đóng gói…, tỉnh chỉ đạo.
Thời gian qua, tình hình xuất khẩu nông sản của Bình Thuận gặp nhiều khó khăn, đặt biệt là mặt hàng thanh long rất khó tiêu thụ, giá bán thấp. Theo một số nhà vườn trồng thanh long tại xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết, thời gian gần đây thanh long liên tục giảm giá. Hiện giá thanh long chỉ còn khoảng 500 – 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, không phải vườn thanh long nào cũng có người mua và thương lái chỉ mua thanh long loại 1, thanh long loại 2-3 không có người mua.
Một chủ vựa chuyên thu mua thanh long xuất khẩu tại thành phố Phan Thiết cho biết, hiện việc thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc diễn ra rất chậm, nhiều cửa khẩu đã dừng thông quan nên hàng hóa ùng ứ. Hiện thanh long không xuất khẩu được nên phải dừng thu mua.
Tổng diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 33.000 ha với sản lượng hàng năm khoảng 700.000 tấn. Dự kiến đến hết tháng 3/2022, toàn tỉnh có khoảng 100.000 tấn thanh long cần được tiêu thụ./.