Bàn tròn Nghiên cứu - Trao đổi Thể thao

Đôi điều bàn lại với GS Trần Ngọc Thêm về trồng cây, trồng người

Tại Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo.” Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11. Nhiều người đã rất shock khi giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng khái niệm "trồng người", quan điểm "tiên học lễ, hậu học văn" không còn phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa

Để rộng đường dư luận bình luận, khen chê, tôi xin có đôi lời trao đổi với GS:

Thứ nhất: Nhiều người cho rằng câu khẩu hiệu trên còn nguyên giá trị, không thể bỏ được mà phải tập trung đẩy mạnh việc giáo dục học sinh thực hiện theo khẩu hiệu trên một cách quyết liệt hơn. Chữ Lễ ở đây có nghĩa là, lễ phép, lễ nghi, lễ độ… là nền tảng, là gốc rễ của mỗi con người, là cái đạo làm người. “Tiên học lễ” có nghĩa là khi bắt đầu sự học thì phải học những đức tính tốt đẹp của con người, học bản sắc văn hóa của dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, biết kính trên nhường dưới, hiếu thuận mẹ cha và lòng tự tôn dân tộc... Lễ là cái gốc, là rường cột trong ngôi nhà giáo dục và đào tạo. Chỉ học văn mà không học lễ thì con ngươi ta ví như đi giữa biển khơi mà không biết bến bờ.

Học lễ là học cách ứng xử phù hợp với đạo lý, học làm người. Đạo làm người, có cái kéo dài suốt lịch sử loài người, ấy là lòng trắc ẩn, là lòng nhân đạo... và có cái chỉ tồn tại trong một không gian, một thời gian nhất định. Vi phạm nó là vô đạo. Trò đánh thầy, con đánh cha, bệnh nhân đánh bác sỹ... là vô đạo.

Hành vi vô đạo thường ẩn chứa trong những người thiếu nhân cách. Ở đâu, chúng ta cũng bắt gặp những hành vi vô đạo; Học trò bắt tay thầy mà thầy cúi gập học trò đứng thẳng, người có chức vụ cao đứng thẳng bắt tay dân hoặc người chức vụ thấp cúi gập thì cả hai đều vô đạo; Thành tích không đáng mà ngông nghênh trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng là vô đạo. Dân không đủ cơm no, áo ấm mà họp hành tiệc tùng thừa mứa, chi tiêu cả vài ngàn đô la cho món ăn xa xỉ và hoa hoét bầy đầy thì cả một bầy vô đạo; Đến cả những thứ nhỏ như người lớn, trẻ con không phân biệt trên dưới xưng mày tao cá mè một lứa cũng là vô đạo.

Có lẽ GS Trần Ngọc Thêm đã nhầm lẫn về chứ “lễ” ở trong câu này. Nội hàm văn và lễ thay đổi theo thời đại. Nếu ông ta cho rằng cái “lễ” này là cái lễ nghi, lễ lạt của thời phong kiến thì hỏng. Đạo là gốc của lễ. Lễ là hình thức, là quy ước của đạo. Vô đạo thì thất lễ. Chính vì thế mà đạo, mà lễ phải học suốt đời.

"Hậu học văn": có nghĩa là sau khi giáo dục về đạo đức mới được học về văn hóa, học về tri thức, chiếm lĩnh tri thức, làm chủ tri thức nhân loại, biến thành người giỏi, tiến bộ phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại chứ không phải là học môn văn đơn thuần như ông Thêm nghĩ. “Tiên học lễ, hậu học văn” định hướng cho con người ta thấu đáo lễ nghĩa, lễ phép, lễ độ tức là đạo làm người sẽ dễ cảm hóa, dễ tiến tới mức độ thành công một cách dễ dàng trong các mối quan hệ khác hay hiểu vận dụng vào làm việc để đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển… Không nghiễm nhiên mà chữ giáo dục luôn luôn đứng trước chữ đào tạo trong mọi hoàn cảnh. Có tài năng, linh động, sáng tạo nhưng không có mục tiêu, định hướng, lý tưởng để phấn đấu thì cái tài năng ấy không những không có ích cho xã hội mà còn làm băng hoại các giá trị xã hội.

Lịch sử dân tộc ta trải qua hàng ngàn năm, bên cạnh nhân tài làm vẻ vang đất nước cũng có không ít người có tài nhưng không có đức, đi ngược với lợi ích của quốc gia dân tộc, chà đạp lên truyền thống yêu nước thương nòi là vô đạo. Có thể kể đến Trần Ích Tắc, vương tử của nước Việt, kẻ ôm kinh luân đầy một bụng hay Lê Chiêu Thống có tài nhưng phản quốc theo giặc và sống vong quốc nô. Những kẻ đó cũng vì hám danh, hám lợi, mà cái gốc rễ vẫn đề chính là không biết liêm sỉ, trung, hiếu, tiết, nghĩa.

Nước Việt sẽ đi về đâu khi nguồn cội bị mất, khác nào cái cây chỉ có ngọn mà không có gốc? Vì thế mà Nguyễn Du viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Cụ Hồ dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Thứ Hai: Xin mạn đàm về khái niệm “trồng người”, “Trăm năm trồng người” là một câu nói khá quen thuộc với người Việt. Câu nói này lấy từ kế sách trị nước của một nhân vật thời Xuân Thu, đó là nhà chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Quản Trọng. Thời ông làm tể tướng nước Tề và giúp nước Tề từ chỗ loạn lạc tranh giành ngôi vị mà trở thành nước hùng mạnh nhất và Tề Hoàn công được tôn lên đứng đầu Ngũ bá. Quản Trọng nói “Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; chung thân chi kế, mạc như thụ nhân”. Nghĩa là Kế cho một năm thì không gì bằng trồng lúa; kế cho mười năm thì không gì bằng trồng cây; kế cho suốt đời thì không gì bằng đào tạo con người.

Bác Hồ dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây/vì lợi ích trăm năm trồng người”. Cụ Hồ rất quan tâm đến thế hệ trẻ, coi lớp trẻ là rường cột của quốc gia trong tương lai. Chính vì vậy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi công tác đào tạo bồi dưỡng phải đạt cho được mục tiêu giáo dục toàn diện để người học sau khi đào tạo đủ sức phục vụ nhân dân.

Đào tạo được những con người và thế hệ có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nay ông Thêm cho rằng không cần “trồng người” thì lấy đâu ra những con người đủ đức đủ tài để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tóm lại, chúng ta không nên bỏ những phương châm này trong giáo dục, có chăng cố gắng không để những điều này chỉ là những khẩu hiệu trên tường mà cần biến nó thành hiện thực!./.

Đỗ Quý Thích