Thống kê của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, hiện cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được cơ quan thuế quản lý. Trong đó, gần 2 triệu hộ kinh doanh đang áp dụng phương pháp thuế khoán.

Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ về của hộ kinh doanh phải được ghi nhận trên hệ thống máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế đang khiến hộ kinh doanh gặp khó khăn.
Với những thay đổi này, việc chuyển đổi số là điều cần thiết để các hộ kinh doanh có thể đáp ứng được những quy định và chính sách mới. Tuy nhiên, quá trình này đang khiến không ít hộ kinh doanh gặp trở ngại.

Kể cả khi thay đổi nguồn cung nguyên liệu, có đủ khả năng xuất hóa đơn bán hàng theo quy định, thì hộ kinh doanh lại đối mặt với vấn đề tăng chi phí đầu vào.
Theo ThS. Nguyễn Ngọc Tịnh, Giám đốc Công ty tư vấn & đại lý Thuế TPM, việc áp dụng quy định mới như yêu cầu bắt buộc sử dụng máy tính tiền, thời điểm kê khai thuế, truyền dữ liệu, các mức phạt nếu không tuân thủ… đang gây hoang mang cho nhiều hộ kinh doanh.

Nếu không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa, thiếu giấy biên nhận, kê khai hoặc chứng từ giao dịch, hộ kinh doanh sẽ lâm vào thế khó khi bị kiểm tra. Thậm chí, có thể bị xử phạt vì hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, dù thực tế chúng xuất phát từ các giao dịch mua bán tại chợ dân sinh, hoặc là hàng hoá tồn đọng nhiều năm.
Ông Tịnh cho rằng, trước mắt các hộ kinh doanh cần chuẩn hóa hoạt động mua bán, ưu tiên chọn nhà cung cấp có xuất hóa đơn hoặc lưu đầy đủ chứng từ giao dịch nhằm đảm bảo minh bạch.
Theo ông Tịnh, việc đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số để đáp ứng các yêu cầu theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP sẽ giúp hộ kinh doanh giảm rủi ro về thuế, cũng như tránh được những sai phạm trong giai đoạn siết chặt quản lý.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW cho rằng, cần có lộ trình chuyển đổi hợp lý để tránh áp dụng cứng nhắc, gây khó cho các hộ kinh doanh, đặc biệt là những trường hợp chưa có năng lực kế toán và hạ tầng công nghệ phù hợp.
Theo đó, cần có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể, có hiệu quả để tránh gây áp lực đột ngột cho hộ kinh doanh, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. Ông Hà đề xuất một số giải pháp thiết thực như: cung cấp miễn phí phần mềm kế toán, nền tảng số dùng chung; tư vấn pháp lý chuyên biệt; các chương trình đào tạo thực tế về quản trị doanh nghiệp, kế toán, nhân sự, thuế và pháp luật.

Đồng thời, Chính phủ cần thực thi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
Quá trình xây dựng chính sách cụ thể, cần bảo đảm nguyên tắc khả thi và công bằng, có cơ chế hỗ trợ, tập huấn kế toán đơn giản cho hộ kinh doanh. Đồng thời, ưu tiên các giải pháp số hóa để tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi và giảm gánh nặng tuân thủ pháp luật thuế
Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc KiotViet (phần mềm quản lý bán hàng) nhận định, chủ trương này là đúng đắn để nâng cao minh bạch hoạt động kinh doanh. Nhưng nếu không có hỗ trợ kịp thời, hàng triệu hộ kinh doanh sẽ gặp khó trong việc tuân thủ, thậm chí e ngại áp dụng.

Vì vậy, chi phí tuân thủ là trở ngại đầu tiên. Tùy quy mô, hộ kinh doanh có thể phải chi từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi năm để đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hóa đơn, chữ ký số, phần mềm quản lý.
Ngoài thiết bị và phần mềm, nhiều hộ có thể cần thuê thêm nhân sự hoặc sử dụng dịch vụ kế toán, đại lý thuế để đáp ứng yêu cầu kê khai hằng tháng hoặc quý, thay vì nộp thuế khoán theo năm như trước.

Để hộ kinh doanh không e dè trước xu thế chuyển đổi số, các địa phương có trách nhiệm tuyên truyền, thúc đẩy nhận thức và nâng cao năng lực thực thi chuyển đổi số.
Hiện nay, Chính phủ cũng đã có chính sách kêu gọi các nhà cung cấp hỗ trợ miễn phí hướng dẫn người dân sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận công nghệ, hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật để các hộ kinh doanh dễ dàng thích nghi.