Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Vừa qua, Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản thống nhất với kịch bản kinh tế số, kinh tế xanh, mục tiêu phát triển theo hướng bền vững của tỉnh Quảng Ngãi, tuy nhiên với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết, công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn để phát triển tỉnh Quảng Ngãi.

1-1679535304.jpg
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh khẳng định, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng 3 kịch bản phát triển, kịch bản 1 phát triển theo hướng đa trung tâm, kịch bản 2 phát triển theo hướng Công nghiệp hóa toàn diện, kịch bản 3 phát triển theo hướng hài hòa và bền vững, theo đó mỗi kịch bản đều có những ưu thế riêng, với điều kiện thực tế và tiềm lực dư địa phát triển hiện có, qua phân tích, cân nhắc các yếu tố về kinh tế, xã hội, môi trường tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn theo hướng phát triển hài hòa và bền vững, trong đó tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 từ 7,5 - 8,5%, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 7 - 8%, giai đoạn 2026 - 2030 là 7,5 - 8,5% là kịch bản phát triển của tỉnh trong thời kỳ tới. Cùng với đó tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030 Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước, là tỉnh công nghiệp với 2 ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép, hướng tới 2050 Quảng Ngãi là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các KCN và cụm công nghiệp tập trung…

Tuy nhiên, trong Dự thảo vẫn còn nhiều vấn đề được các thành viên hội đồng thẩm định và các chuyên gia đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc giải trình rõ. Điển hình như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 khá cao, đạt 8,4%. Tuy nhiên, cần phân tích, làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống 4,87% trong giai đoạn 2016-2020; chỉ số PCI của Tỉnh giảm từ xếp hạng thứ 7 xuống thứ 41 trong cả nước vào năm 2019; tỷ trọng FDI gần như thấp nhất vùng (3,7%); thu nhập GRDP/đầu người tương đương mức trung bình cả nước và đứng thứ 3 của tiểu vùng Duyên hải miền Trung, nhưng thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với trung bình cả nước và đứng thứ 3 từ dưới lên của Vùng…

2-1679535304.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, một vấn đề được các thành viên Hội đồng nhấn mạnh cần phân tích, làm rõ đó là, tỷ lệ đô thị hóa thấp (năm 2020 đạt 24,5%, đứng thứ 5/5 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và thấp hơn trung bình cả nước là 40%); Chất lượng nguồn nhân lực, lao động chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 21,96%; Khả năng thu hút đầu tư còn hạn chế, thiếu dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao; Bất cập về cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực chưa cân đối, bền vững, phụ thuộc nhiều vào công nghiệp lọc hóa dầu và sản xuất thép…

UBND tỉnh Quảng Ngãi và đơn vị tư vấn cũng cần làm rõ các mối quan hệ vùng, liên kết phát triển của Quảng Ngãi với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để thấy được sự liên kết chặt chẽ với 2 địa phương là Quảng Nam và Bình Định và cả với Vùng Tây Nguyên (Kon Tum)- là điểm tựa của Quảng Ngãi hướng ra biển Đông.

Bên cạnh quan điểm về phát triển, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi, đơn vị tư vấn bổ sung quan điểm về tổ chức, sắp xếp không gian phát triển của Tỉnh, quan điểm đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; hình thành các cực tăng trưởng và các vùng động lực để tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong phát triển…

bo-truong-1679541341.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định phát biểu tại Hội nghị.

Hội đồng Thẩm định đã tiến hành bỏ phiếu thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết quả 100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với điều kiện sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ bản thống nhất với kịch bản kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên mục tiêu phát triển theo hướng hài hòa và bền vững của Tỉnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, Quảng Ngãi cần nhận diện lại những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là các điểm nghẽn phát triển, trong đó lưu ý đến vấn đề cân đối cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị, làm rõ các mối quan hệ vùng, liên kết phát triển của Quảng Ngãi với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để thấy được sự liên kết chặt chẽ với 2 địa phương là Quảng Nam và Bình Định và cả với Vùng Tây Nguyên (Kon Tum) - điểm tựa của Quảng Ngãi hướng ra biển Đông. Từ đó, xác định các lợi thế, cơ hội mới để tận dụng trong phát triển.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao tinh thần làm việc của Hội đồng thẩm định và để sớm hoàn thiện nội dung trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia. Trong đó, tập trung làm rõ một số nội dung như quy trình lập quy hoạch, việc triển khai đồng thời giữa quá trình lập quy hoạch và thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; việc tiếp thu các ý kiến trong quá trình lập quy hoạch.

Rà soát, làm rõ các tồn tại, hạn chế lớn nhất hiện nay, đặc biệt là các điểm nghẽn, nút thắt trong phát triển, trong đó lưu ý đến cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị; làm rõ các mối quan hệ vùng, liên kết phát triển của Quảng Ngãi với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để thấy được sự liên kết chặt chẽ với tỉnh Quảng Nam, Bình Định và cả với vùng Tây Nguyên (Kon Tum). Từ đó xác định rõ hơn những lợi thế, cơ hội mới của tỉnh để có thể tận dụng trong thời gian tới, đặc biệt nhấn mạnh đến các cụm công nghiệp gắn với cảng nước sâu, sân bay, đây là các khu công nghiệp đặc biệt quan trọng không những của vùng mà của cả nước; các tuyến hạ tầng giao thông được hình thành trong tương lai.

Bổ sung luận chứng làm rõ tính khả thi của các kịch bản phát triển, trong đó phải xác định rõ các động lực, đột phá cho tăng trưởng, đóng góp của từng ngành lĩnh vực trong tăng trưởng của tỉnh. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần phải thể hiện rõ nét, mang tính táo bạo, đột phá, mạnh dạn thay đổi tư duy, từ đó có những ưu tiên, phân vùng để thu hút đầu tư.

Về đô thị hóa, đây được coi là đột phá nhưng chưa được thể hiện rõ trong quy hoạch, trong khi đây là trụ cột gắn với phát triển công nghiệp, đóng góp cho tăng trưởng và từ đó sẽ phát triển dịch vụ. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi rà soát lại các cơ cấu ngành kinh tế, các trụ cột, ưu tiên đột phá, tận dụng được các lợi để phát triển bền vững.

Rà soát lại vai trò, vị trí và sứ mệnh mới của tỉnh Quảng Ngãi là nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81 của Quốc hội. Từ đó lựa chọn các mô hình, xu thế mới của nền kinh phù hợp.

Về mô hình tăng trưởng, cơ bản thống nhất theo quan điểm về tổ chức, sắp xếp không gian phát triển của tỉnh, quan điểm đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên mục tiêu phát triển hài hòa và bao trùm. Bổ sung luận chứng rõ việc xác định các khâu đột phá, các ngành quan trọng, đưa ra các ngành đảm bảo phát triển cân đối. Các định hướng, phương án phải đảm bảo đồng bộ với các quy hoạch quốc gia đã được ban hành và các quy hoạch đang lập.

Xác định cụ thể khu vực hạn chế phát triển, khuyến khích phát triển để làm căn cứ cho hình thành các vùng động lực phát triển; rà soát, xem xét thể hiện rõ chức năng của các hành lang, sự liên kết phát triển với các tỉnh lân cận; xác định rõ một số khu vực động lực chính để ưu tiên đầu tư, làm đầu tàu lôi kéo các khu vực khác phát triển; đồng thời làm rõ việc liên kết phát triển giữa cảng hàng không Chu Lai với cảng Dung Quất.

Về chỉ tiêu sử dụng đất, Bộ trưởng đề nghị rà soát các chỉ tiêu sử dụng đất đảm bảo phù với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022.

Về phát triển ngành du lịch, rà soát lại các sản phẩm du lịch và định hướng phát triển, tập trung vào sự đặc thù khác biệt nhưng đảm bảo cạnh tranh và mang lại giá trị cao; dựa vào vị trí địa lý “cầu nối” liên kết của vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên; Lý Sơn - nơi hội tụ của những giá trị tự nhiên; văn hóa Sa Huỳnh; Khu chứng tích Sơn Mỹ để phát triển du lịch mang tính đặc thù, đặc biệt.

Về đô thị hóa, xem xét điều chỉnh, nâng tỷ trọng vì đây là đóng góp quan trọng, bám vào các hành lang kinh tế đã định hình; gắn kết lan tỏa, tác động bổ trợ lẫn nhau tốt hơn.

Về Báo cáo kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch, tiếp tục rà soát, đánh giá sự phù hợp, mối quan hệ giữa các quan điểm, mục tiêu của quy hoạch với các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường và dự báo tác động; các vấn đề môi trường chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; các giải pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch; hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định hiện hành, sau đó gửi hồ sơ đến cơ quan thường trực Hội đồng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để tiến hành rà soát, hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Trần Như