Sách hay 2022: Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955 - 1973

Cuốn sách “Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973” đã được bình chọn Giải Sách hay danh giá năm 2022, hạng mục Kinh tế tại Lễ công bố Giải Sách hay lần thứ XI vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Cuốn sách này phân tích những yếu tố làm nên giai đoạn phát triển thần kỳ ở Nhật Bản bắt đầu gần 70 năm trước. Gọi là thần kỳ vì cho đến lúc đó chưa có nước nào phát triển với tốc độ vừa cao, trung bình 10%/năm và liên tục kéo dài gần 20 năm, vừa thực hiện toàn dụng lao động và công bằng xã hội. Giai đoạn phát triển ngoạn mục đó đã đưa Nhật Bản trở thành cường quốc công nghiệp, theo kịp các nước Tây phương, thực hiện giấc mơ và mục tiêu của các lãnh đạo thời Minh Trị.

Hai từ khóa để phân tích thành quả phát triển của Nhật Bản trong giai đoạn đó là nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội. 

Nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm ưu tiên hàng đầu, từ đó đưa ra mục tiêu phát triển làm cho dân giàu nước mạnh, và tạo các cơ chế động viên, thúc đẩy các nguồn lực để đạt mục tiêu. Tố chất của lãnh đạo chính trị và quan chức nhà nước cùng với bộ máy công vụ có hiệu suất là yếu tố quyết định của nhà nước kiến tạo phát triển. 

Năng lực xã hội là năng lực và tố chất của những nhân tố cấu thành xã hội, cụ thể là chính trị gia, quan chức, lãnh đạo kinh doanh, trí thức và tầng lớp lao động. Mỗi nhân tố cấu thành phải có những tố chất để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tố chất quan trọng của chính trị gia là năng lực lãnh đạo, tầm nhìn đại cuộc và năng lực quy tụ nhân tài, khả năng hình thành sự đồng thuận cao của toàn dân, nhất là ý thức trách nhiệm cao trong việc tạo cơ chế, điều kiện để khơi dậy các tiềm năng của đất nước, trong đó có phương châm trọng dụng nhân tài. 

1-1663648278.jpg
Cuốn sách “Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955 - 1973” đã phân tích những yếu tố làm nên giai đoạn phát triển thần kỳ ở Nhật Bản bắt đầu gần 70 năm trước.

Tố chất cần thiết của quan chức là năng lực quản lý hành chính, tinh thần trách nhiệm, tác phong đạo đức của người công bộc, chí công vô tư. Tố chất của giới kinh doanh là tinh thần doanh nghiệp và ý thức trách nhiệm xã hội. Tố chất đòi hỏi ở trí thức là trách nhiệm với xã hội, với đất nước, quan tâm cao độ vào các vấn đề hiện thực của kinh tế, xã hội, văn hóa và nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp góp phần cải thiện xã hội và làm cho kinh tế phát triển.

Trong trường hợp Nhật Bản, tố chất chung nhất của chính trị gia, của quan chức, của nhà kinh doanh Nhật Bản là lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và phần lớn là những người có văn hóa, có giáo dưỡng. Đặc biệt, trong thời đại Minh Trị và thời kỳ phục hưng và phát triển hậu chiến, những tố chất đó biểu hiện mạnh mẽ nhất. 

Giữa thập niên 1950, ở Nhật Bản xuất hiện một nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất là Ikeda Hayato. Lúc đó ông là Bộ trưởng Tài chánh và chuẩn bị ứng cử vào chức Đảng trưởng đảng cầm quyền để làm Thủ tướng với mong muốn đưa Nhật Bản vào kỷ nguyên mới. Ông cho rằng giai đoạn sắp tới phải là thời đại kinh tế, Nhật Bản phải tận dụng tiềm năng về nguồn nhân lực của mình và hoàn cảnh thuận lợi của thế giới để vươn lên hàng các nước tiên tiến. Triết lý chính trị của ông là vì dân, vì cuộc sống của dân chúng nên mục đích cuối cùng của phát triển kinh tế là phải tăng thu nhập của toàn dân và mở rộng mạng an sinh xã hội để giúp người không theo kịp đà phát triển chung.

Nhưng nguyện vọng, quyết tâm của nhà chính trị phải được cụ thể hóa bằng chiến lược, chính sách, trước mắt là được đồng tình của dân chúng, tiếp theo là phải được thực hiện có hiệu quả. Lúc này Ikeda cần đến trí thức. Đang suy nghĩ tìm kiếm một ý tưởng chủ đạo của chiến lược phát triển đất nước, trong lúc đọc sách báo, Ikeda rất mừng khi tìm thấy bài viết “Luận về khả năng bội tăng tiền lương” của giáo sư kinh tế Nakayama Ichiro đăng trên báo Yomiuri. 

Theo gợi ý của Giáo sư Nakayama, Ikeda thai nghén một chiến lược phát triển gọi là “Bội tăng thu nhập quốc dân” và lập ra một nhóm bảy người gồm các trí thức tên tuổi cùng với các quan chức, các cộng sự tài giỏi để triển khai cụ thể chiến lược này. Đặc biệt, trong số này có Shimomura Osamu, nhà kinh tế vừa giỏi lý luận vừa hiểu thực tiễn và có năng lực hình thành các chính sách cụ thể. Ikeda trở thành Thủ tướng và kế hoạch “Bội tăng thu nhập quốc dân” đạt được mục tiêu chỉ trong 7 năm, thay vì 10 năm như dự định.  

Câu chuyện giữa lãnh đạo chính trị Ikeda và các trí thức như Nakayama và Shimomura là một trong nhiều hình tượng tiêu biểu liên quan nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội được phân tích trong sách.  

Ông Trần Văn Thọ - Tác giả cuốn sách “Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973” cho biết: “Tôi viết cuốn sách này trong tâm tình mong Việt Nam chúng ta sẽ có một giai đoạn phát triển ngoạn mục trong thời gian sắp tới. Tuy bối cảnh quốc tế, hoàn cảnh chính trị, xã hội và trình độ kỹ thuật, công nghệ thế giới ngày nay khác với Nhật Bản 60 hay 70 năm trước, nhưng những yếu tố cốt lõi của phát triển thì có tính phổ quát nên tôi nghĩ Việt Nam có thể tham khảo nhiều từ kinh nghiệm Nhật Bản”.

“Trong không khí quyện đầy sách vở và tri thức của buổi lễ trao giải Sách Hay năm 2022, tôi xin rút từ nội dung cuốn sách một câu chuyện về sự giao thoa sáng tạo giữa lãnh đạo chính trị và giới trí thức mà kết quả đã làm nên thời đại phát triển thần kỳ ở Nhật Bản. Tôi xin cảm ơn Ban Tổ chức Giải Sách Hay đã đánh giá tích cực ý nghĩa của cuốn sách. Mong các vị chủ trương Giải Sách Hay tiếp tục truyền cảm hứng viết sách, đọc sách trong xã hội Việt Nam”, tác giả Trần Văn Thọ chia sẻ thêm.
                                                                                                                                                                                            
 

Đạm Quang Lê

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/cuon-sach-kinh-te-nhat-ban-giai-doan-phat-trien-than-ky-1955-1973-a9435.html