Vai trò của nông dân trong thực hiện vấn đề tam nông ở nước ta

Chủ trương hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội XIII đề ra, đòi hỏi phải tăng cường thêm nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

nong-thon-moi-16546798786971424138782-1660275467.png
Minh họa

 

Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X đã từng nhấn mạnh "Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng"; "Ðẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân".

Việt Nam sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện và to lớn. Tuy nhiên, như nhận định của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng, đặc biệt là đối với nông dân ở nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc.

Xuất phát từ kết quả tổng kết thực tiễn; từ phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước và vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, ngày 05/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 26 - NQ/T.Ư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nghị quyết đã khẳng định “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”(1) và “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể…”(2). Vì vậy, trong phần nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết tiếp tục khẳng định: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là hội nông dân”(3) nhằm bảo đảm một cách tốt nhất vai trò, vị trí quan trọng ấy của nông dân.

lang-co-duong-lam-1660274115.jpg
Minh họa

Quan điểm xem “nông dân là chủ thể” đã trở thành truyền thống trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ triều đình nhà Lê chống giặc Ngô xâm lược, Nguyễn Trãi đã từng khẳng định trong “Bình Ngô Đại Cáo” rằng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, tức xem cuộc sống an bình, yên ấm của nhân dân (mà đại bộ phận là nông dân) là việc nhân, việc nghĩa, việc trên hết, trước hết của triều đình.

Đã có nhiều “vua sáng, tôi hiền” khác cũng thấu hiểu được cái chân lý “lấy dân làm gốc”, “dân là dân nước, nước là nước dân”, hay “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, vì vậy phải thực hiện “thân dân”, “khoan thư sức dân” để làm “kế sâu rễ bền gốc”. Với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc cũng vậy, khi xác định nhiệm vụ trước tiên trong mục tiêu cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(4), bởi Bác biết rằng sự nghiệp cách mạng này là của quần chúng nhân dân, mà đại bộ phận là nhân dân lao động, bởi chỉ có sử dụng sức mạnh của nhân dân giải phóng cho nhân dân thì mới giành lại được độc lập cho dân tộc.

Khi nói đến sứ mạng lịch sử của Đảng cộng sản, Bác nhấn mạnh Đảng phải xây dựng khối liên minh công - nông vững chắc, và sau này là khối liên minh của công nhân với nông dân và trí thức. Trong tác phẩm Đường Cách Mệnh, Bác Hồ đã đề cập đến việc tổ chức lực lượng quần chúng, trước hết là công nhân và nông dân. Cụ thể, trong 15 mục của cuốn sách, Người đã để 3 mục cuối nói về cách tổ chức công nhân vào công hội, nông dân vào nông hội và cách tổ chức các loại hình hợp tác xã để làm cho thợ thuyền, dân cày, những người buôn bán đều có lợi ích thiết thực. Và sau này, trong rất nhiều bài viết của Người đều có nhắc đến vai trò của nông dân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Sau khi thống nhất đất nước, trong chiến lược xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt quan điểm “nông dân là chủ thể”. Điều này được thể hiện qua rất nhiều chính sách, chủ trương hoạt động cụ thể của Đảng và Nhà nước ta. Mở đầu trước tiên là Chỉ thị 100 (tháng 10-1981) của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, về thay đổi cách chỉ đạo, tổ chức sản xuất, quản lý hợp tác xã nông nghiệp, đã đem lại niềm phấn khởi và khí thế mới ở nông thôn, giải phóng sức sản xuất cho hàng triệu nông dân. Tiếp đến, ngày 05/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 về Ðổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp, trong đó xác định rõ vai trò của kinh tế hộ, coi hộ gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng ruộng đất.

Tác dụng của cơ chế Khoán 10 cùng với những thành tựu về thủy lợi, cải tạo giống, thâm canh tăng năng suất ở đồng bằng Bắc Bộ và mở rộng diện tích đất canh tác ở đồng bằng sông Cửu Long đã đưa nền nông nghiệp Việt Nam sang trang sử mới. Từ chỗ thiếu ăn triền miên, đến năm 1988 vẫn còn phải nhập khẩu hơn 450.000 tấn gạo, nhưng từ năm 1989, Việt Nam vừa bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ, vừa xuất khẩu gạo mỗi năm từ 1 - 1,5 triệu tấn và tiến dần lên tới 4 - 4,5 triệu tấn như hiện nay.

Các văn kiện Ðại hội lần thứ VII, VIII, IX của Ðảng và nhiều Chỉ thị, Nghị quyết hội nghị trung ương trong các nhiệm kỳ đó đều thể hiện rõ chủ trương, chiến lược nhất quán đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX số 15-NQ/TW, ngày 18 tháng 3 năm 2002 về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010. Nghị quyết nhấn mạnh: Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hoá, điện khí hoá, thuỷ lợi hoá, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học đưa thiết bị, kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường.

86c87e8ab3e94eb717f8-1660274372.jpg
 

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh tỉ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ; giảm dần tỉ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; xây dựng nông thôn dân chủ, công bằng, văn minh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân ở nông thôn.

Sau Nghị quyết số 26 - NQ/T.Ư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ban hành ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chương trình hành động đã đề ra 09 nội dung quy hoạch; 03 chương trình mục tiêu quốc gia; 36 đề án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020.

Với nông dân, Chương trình hành động đã đề ra mục tiêu là phải “tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn tăng lên 2,5 lần so với hiện nay”(5); đồng thời “nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là ở các vùng còn nhiều khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(6).

Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới là bước cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những tiêu chí này sẽ là cơ sở để xây dựng nông thôn mới với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao dân trí và đời sống người nông dân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ phương hướng “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…”. Trong tất cả các kỳ đại hội đảng vấn đề tam nông luôn được quan tâm và nông dân luôn là đối tượng được chú ý với vai trò chủ thể trong xây dựng và phát triển nông thôn.

Để tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới cũng rất cần Nhà nước sớm có chính sách đưa công nghiệp về nông thôn, có chính sách tái thiết nông thôn để thực hiện cho được mục tiêu “ly nông bất ly hương”, chính sách đào tạo nông dân trở thành chủ doanh nghiệp nông nghiệp, chủ trang trại,vv…Có các giải pháp hiệu quả hơn để thúc đẩy quá trình chuyển từ “chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang “chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”, phải minh bạch thị trường, kiểm soát chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội, như về thể chế về đất đai để phục vụ cho phát triển nông nghiệp được hoàn thiện; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải là chờ đợi để giải cứu; nông thôn trở thành môi trường để giới trẻ khời nghiệp trong kinh tế nông nghiệp; môi trường bền vững, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao…

Như vậy, cùng với nông nghiệp và nông thôn, nông dân luôn được quan tâm mọi mặt trong toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Nông dân với vai trò là chủ thể của hoạt động sản xuất nông nghiệp và là chủ thể của môi trường nông thôn, họ đã, đang và sẽ còn giữ vị trí then chốt trong tất cả các lĩnh vực của đất nước. Do đó, hiện nay và trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm đến việc khẳng định vị thế và phát huy việc thực hiện vai trò chủ thể của nông dân, cụ thể qua một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, để nông dân là chủ thể của hoạt động sản xuất nông nghiệp, cần chú ý mấy nội dung:

Một là, nông dân phải được định hướng đúng trong lựa chọn lĩnh vực và cách thức sản xuất trồng trọt và chăn nuôi nông - lâm - thủy hải sản. Nhà nước cần có chính sách ưu tiên thúc đẩy nhanh kinh tế tư nhân, phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các loại hình tổ chức sản xuất hợp tác xã ở nông thôn. Nên có cái nhìn công bằng, thân thiện và chấm dứt việc phân biệt đối xử trong việc đề ra các chính sách phát triển giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực nông thôn với các doanh nghiệp quốc doanh. Đồng thời, Nhà nước cần tiến hành tiếp tục cải tổ hệ thống tín dụng nông thôn theo hướng có lợi cho nông dân hơn nữa, đảm bảo đồng vốn luôn kịp thời, đầy đủ để nông dân luôn chủ động trong sản xuất. 

Hai là, Nhà nước tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển như chương trình trồng rừng, chương trình nuôi trồng thủy sản, chương trình đánh bắt cá xa bờ, chương trình xoá đói giảm nghèo, chuơng trình xây dựng đời sống nông thôn mới… Kết hợp với công tác kiểm tra liên tục, thường xuyên việc thực hiện các chương trình này, kịp thời điều chỉnh những vấn đề tiêu cực nảy sinh, tránh tình trạng xảy ra việc các cấp cơ sở thực hiện sai gây tổn hại vật chất và mất lòng tin ở nhân dân rồi Chính phủ mới bắt tay vào khắc phục. Ngoài ra, Nhà nước phải chủ động tạo những điều kiện thuận lợi cho “đầu ra, đầu vào” trong sản xuất để giúp cho nông dân không chỉ đủ ăn, mà phải vươn lên khá, giàu từ chính hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hoá nông nghiệp của mình. Xây dựng những chính sách, kế hoạch phù hợp, sát thực tế nhất để tăng cường quan hệ mật thiết, chặt chẽ và hiệu quả của khối liên kết 4 nhà. 

Ba là, nông dân phải có điều kiện tiếp thu và ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất và cải tạo nâng cao chất lượng đối tượng tác động của mình, như đất canh tác, con giống, môi trường nước … Quan tâm giải quyết ngay các vấn đề về phòng và chống dịch bệnh ở người và gia súc vật nuôi, đặc biệt là các bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, rầy nâu đối với cây lúa, bệnh lở mồm long móng, H5N1, lợn tai xanh,… ở gia súc, gia cầm và tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, ngộ độc thực phẩm,… ở con người.

Bốn là, trang bị cho nông dân những kiến thức liên quan của thời kỳ hội nhập, đặc biệt là các quy định về việc đảm bảo an toàn quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như phương pháp bảo quản, vận chuyển sản phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu,… để họ có thể chủ động trong hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm. Đồng thời, Nhà nước cần tuyên truyền phổ biến và nhân rộng các mô hình điển hình về các kiểu sản xuất tập thể, hợp tác xã đạt hiệu quả nhằm từng bước thay đổi tư duy sản xuất nhỏ truyền thống của nông dân.

Thứ hai, để nông dân là chủ thể của môi trường nông thôn, cần chú ý mấy nội dung:

Một là, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách linh hoạt để làm sao nông dân phải thực sự là người chủ sở hữu và sử dụng tư liệu sản xuất, mà trước hết là nhà ở và ruộng đất canh tác; giảm đến mức thấp nhất trường hợp nông dân bán đất, không ruộng canh tác phải làm thuê ngay chính trên mảnh ruộng trước kia của mình. Đồng thời, Nhà nước cần tiến hành tổng kiểm tra lại các quy định về quản lý đất đai, những quy định nào còn phù hợp với thực tế thì giữ lại, quy định nào không phù hợp thì phải kiên quyết dỡ bỏ, không để phiền hà, gây tốn kém, khó khăn cho nhân dân.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân để họ tích cực và chủ động xây dựng môi trường nông thôn vừa là môi trường sống vừa là môi trường sản xuất, phát triển. Để từ đó, nông dân vừa tiến hành sản xuất, khai thác vừa cải tạo, gìn giữ. Kết hợp tuyên tuyền của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội với sự tham gia cộng tác của những mô hình thực tế đạt hiệu quả của nhân dân về việc vừa sản xuất, khai thác vừa giữ gìn, bảo vệ và phát triển môi trường sản xuất ở nông thôn.

Ba là, Nhà nước cần tính toán thật kỹ các kế hoạch, chiến lược phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung, khu đô thị mới và đường giao thông,  để hạn chế đến mức thấp nhất việc thu hồi đất sản xuất, đặc biệt là đất có độ màu mỡ cao, đất ở vùng chuyên canh nông nghiệp; hướng các chiến lược phát triển đó vào các khu cằn cỗi, hoang hoá, tránh việc di dân vào các khu tái định cư không có điều kiện sống ổn định, thiếu bền vững do thu hồi đất như một số trường hợp hiện nay. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có kế hoạch và chiến lược phát triển sản xuất phù hợp với các điều kiện thuận lợi và là thế mạnh của từng vùng, sao cho phát huy hết tiềm năng, thế mạnh sản xuất của từng nơi khác nhau, nhưng vẫn đảm bảo đời sống vật chất cho nhân dân và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Bốn là, cần kết hợp giữa phát triển sản xuất vật chất với xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần lành mạnh, tiến bộ. Luôn gắn chặt các chỉ tiêu phát triển kinh tế với hiệu quả xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần, vì đây là hai nền tảng của đời sống xã hội. Nhà nước cần quan tâm giải quyết ngay các vấn đề văn hoá, xã hội, giáo dục ở nông thôn. Bộ giáo dục và đào tạo cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tìm ra những nguyên nhân cũng như phương hướng, giải pháp hiệu quả nhất kiên quyết không để tình trạng trẻ em trong độ tuổi đi học bỏ học, thất học.

Tuy vậy, chúng ta cũng thấy rõ rằng việc khẳng định vai trò chủ thể của nông dân không chỉ xuất phát một chiều từ phía khách quan tác động đến giai cấp nông dân, mà chính yếu tố chủ quan từ người nông dân cũng tham gia vào việc khẳng định vị trí của mình. Cho nên, bên cạnh các vấn đề nêu trên, thiết nghĩ bản thân người nông dân cũng cần chú ý những vấn đề cơ bản sau:

Người nông dân phải chủ động trong sản xuất. Nông dân phải tích cực học tập nâng cao trình độ hiểu biết và khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật vào quá trình sản xuất; thường xuyên đọc sách, báo, nghe đài, tivi để nắm các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, như kỹ thuật, công nghệ, giá cả, thị trường, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để từ đó chủ động điều tiết quá trình sản xuất của mình cho phù hợp hơn. Không tiến hành chăn nuôi, sản xuất một cách cảm tính, tự phát, chạy theo thị hiếu hay xu thế xa rời định hướng của Nhà nước.

nong-nghiep-cong-nghe-cao-la-gi-1660274591.jpg
Nông nghiệp công nghệ cao

Người nông dân phải chủ động trong bảo vệ môi trường tự nhiên. Bên cạnh sản xuất, khai thác tự nhiên, người nông dân cần có ý thức cải tạo, gìn giữ và phát triển môi trường tự nhiên ngày càng tốt hơn, nhất là môi trường động, thực vật, môi trường đất và môi trường nước. Không chặt phá rừng bừa bãi lấy đất sản xuất; không dùng xung điện đánh bắt cá; không sử dụng phân, thuốc hoá học sai quy cách, bừa bãi, lạm dụng,…

Người nông dân phải chủ động trong xây dựng đời sống tinh thần của mình. Ở đây, người nông dân cần chú ý xây dựng hai vấn đề cơ bản là xây dựng ý thức sản xuất và xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần. Hoạt động sản xuất phải gắn với lý luận khoa học, tránh làm theo kinh nghiệm, thiếu khoa học; luôn chủ động hỗ trợ nhau về mọi mặt trong sản xuất, cả yếu tố đầu vào của nguyên, nhiên, vật phụ liệu và đầu ra cho sản phẩm; giữ chữ tín trong sản xuất và trao đổi; phát huy phẩm chất cần cù, siêng năng và sáng tạo… Đồng thời, thực hiện nếp sống, sinh hoạt lành mạnh, văn minh; không tham gia cờ bạc, đá gà, số đề, rượu chè quá độ; không chi tiêu hoang phí; tích cực tham gia các sinh hoạt trong các đoàn thể chính trị, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, đặc biệt là các câu lạc bộ sản xuất, các tổ nhóm hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Thực tế hiện nay cho thấy, người nông dân sản xuất nông nghiệp ở nông thôn hiện nay còn rất nhiều khó khăn. Do vậy, phát huy tốt vai trò chủ thể của mình trong điều kiện đời sống còn nghèo nàn, việc làm bấp bênh, lao động với trình độ, tay nghề thấp, sản xuất hoặc mất mùa hoặc rớt giá,… là một nhiệm vụ rất nặng nề. Nông dân Việt Nam với truyền thống kiên cường, bất khuất trong chiến đấu chống kẻ thù và cần cù siêng năng trong lao động sản xuất, nhất định sẽ phát huy tốt vai trò chủ thể của mình trong vấn đề “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Đại hội Đảng lần thứ XIII một lần nữa khẳng định; Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh.

ntm-png8201587-10122021-1660275406.jpg
Minh họa

Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Thực hiện tốt hơn phát triển bền vững kinh tế biển. Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng thời đại hội cũng xác định vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc thì trong nông nghiệp và nông thôn người nông dân cũng cần được khẳng định vai trò, vị trí như vậy để có cơ chế chính sách phù hợp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân trong thời gian tới. Tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có vai trò, ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Giải quyết tốt những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt mục tiêu mà Đại hội XIII đặt ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Tài liệu trích dẫn:

- (1,2,3): Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

- (4): Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, tr.192.

- (5,6): Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 

 

Trần Chín

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/vai-tro-cua-nong-dan-trong-thuc-hien-van-de-tam-nong-o-nuoc-ta-a8538.html